Phòng chống cháy rừng trong mùa khô: Nhiều nỗ lực

Cập nhật: 29-02-2016 | 08:10:39

Bước vào mùa khô năm nay thời tiết diễn biến bất thường, không khí khô hanh là “chất xúc tác” dễ gây ra cháy rừng. Để bảo đảm an toàn cho các khu vực rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh, công tác phòng chống cháy rừng đang được các ngành chức năng trong tỉnh tập trung cao độ.

Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng

Toàn tỉnh hiện có gần 11.000 ha rừng, trong đó có hơn 4.000 ha rừng phòng hộ, tập trung chủ yếu ở địa bàn các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên. Thời gian qua, các cấp, các ngành liên quan trong tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa của việc bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã xây dựng các phương án bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), xác định tình huống xung yếu và khó khăn riêng biệt để có hướng chỉ đạo kịp thời. Chính vì vậy, ngay khi bước vào thời điểm nắng nóng, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và kết hợp với các cuộc họp dân, ngành kiểm lâm của tỉnh đã triển khai lồng ghép các thông báo nguy cơ cháy rừng, quy chế bảo vệ rừng, PCCCR đến người dân.

  Lực lượng chức năng tham gia buổi diễn tập PCCCR tại rừng phòng hộ núi Cậu (xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng). Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Gia đình anh Lưu Tấn Phú, ở xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên hiện quản lý và sử dụng hơn 20 ha rừng. Bước vào mùa nắng nóng, anh Phú đã chủ động thực hiện những biện pháp phòng chống cháy rừng bằng cách dọn sạch lá khô, làm đường biên chống cháy lan từ khu rừng của hộ này sang hộ khác. Bên cạnh đó, anh cũng thường xuyên vào rừng kiểm tra, theo dõi các bản tin cảnh báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo anh Phú, mùa khô năm nay thời tiết nóng hơn nhiều năm trước, vì thế cháy rừng rất dễ xảy ra. UBND xã cũng đã mở các đợt tuyên truyền giúp cho bà con biết được cách PCCCR hiệu quả, vì rừng che chở cho bà con nên việc bảo vệ và phát triển rừng là rất cần thiết.

Cũng giống như các chủ rừng khác, trường Cao đẳng nghề Công nghệ và nông lâm Nam bộ có khoảng 100 ha rừng trồng sản xuất cây lấy gỗ tại huyện Bắc Tân Uyên. Hiện nay, công tác PCCCR của đơn vị này cũng đã được tăng cường ở mức độ cao. Theo đó, đơn vị đã thành lập tổ bảo vệ rừng chia ca trực 24/24 để tuần tra và cảnh báo cháy rừng. Bên cạnh đó, đơn vị còn thuê máy ủi san gạt đất tạo đường biên ngăn cách trong trường hợp có cháy rừng xảy ra.

Phối hợp chặt chẽ

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng chống cháy rừng mùa khô năm 2015-2016, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuần tra, canh gác bảo vệ rừng, thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ. Đặc biệt, chi cục đang phối hợp với các cấp, các ngành và địa phương tuyên truyền nâng cao ý thức người dân tham gia bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm địa phương cũng đã tiến hành huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng PCCCR cho các chủ rừng và lực lượng tham gia chữa cháy rừng ở địa phương. Đối với những vùng có nguy cơ cháy cao, vào thời gian cao điểm, các hạt kiểm lâm địa phương tổ chức cán bộ trực 24/24 giờ để theo dõi, tiếp nhận thông tin cháy rừng; đồng thời chủ động về lực lượng và phương tiện để sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đang khẩn trương hoàn thiện quy chế phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội trong công tác diễn tập PCCCR để các đơn vị nắm bắt được cách thức chữa cháy, xử lý tình huống khi xảy ra sự cố và bảo vệ rừng.

Ông Võ Thành Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, với quan điểm phòng là chính, chữa cháy kịp thời, hiệu quả, những năm qua trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng cháy rừng. Đó là nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của người dân trong tỉnh, sự hỗ trợ chỉ đạo kịp thời của UBND các địa phương và sự hỗ trợ có hiệu quả của các cơ quan, ban ngành đã giúp lực lượng kiểm lâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Riêng đối với khu vực rừng phòng hộ núi Cậu và rừng Kiến An (huyện Dầu Tiếng) đều hiện diện những yếu tố bất lợi, rất dễ xảy ra cháy như: Độ tàn che phủ của rừng còn thấp, chưa đạt yêu cầu kỹ thuật nên cỏ dại mọc nhiều; thảm thực bì lớn; ý thức bảo vệ rừng của một số khách du lịch chưa tốt… khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Để chủ động trong công tác PCCCR, Ban chỉ đạo PCCCR huyện Dầu Tiếng đã xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị liên quan; trong đó đặc biệt là vai trò nòng cốt của lực lượng kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Cậu Dầu Tiếng, các đơn vị và hộ gia đình nhận khoán đất rừng. Các lực lượng nói trên sẽ cùng với UBND các xã có rừng xây dựng lực lượng tại chỗ, bám sát địa bàn khu vực có rừng, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Ban chỉ đạo PCCCR huyện cũng đã xây dựng 4 tổ trực PCCCR để trực tại các chòi canh lửa.

Như vậy, với sự chỉ đạo sâu sát và chủ động của lãnh đạo tỉnh, đồng thời ngành chức năng đã chủ động thực hiện các phương án PCCCR rừng từ trước mùa khô, Bình Dương đang nỗ lực hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại xảy ra, từ đó góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế của tỉnh nhà một cách bền vững.

Bình Dương hiện có khoảng 130.000 ha cao su. Để phòng cháy, ngoài việc vận động chủ các lô cao su thường xuyên thổi lá khô ra khỏi gốc cây, các lực lượng chức năng cũng thường xuyên tuần tra, giám sát. Kiểm tra cho thấy, hiện các bể nước tại các lô cao su luôn đầy nước. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng đã tuyên truyền đến người dân để mọi người nâng cao ý thức, nhất là không được hút thuốc lá, sử dụng lửa tại các vườn cao su…

QUỲNH NHIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên