Phòng, chống xâm hại trẻ em: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Cập nhật: 26-03-2020 | 09:16:21

Vấn nạn xâm hại trẻ em không chỉ gây hậu quả nặng nề cả về mặt thể chất và tinh thần đối với trẻ mà còn tác động tiêu cực tới đời sống xã hội. Để hạn chế vấn nạn này, từ công tác phòng ngừa đến công tác đấu tranh đòi hỏi phải có sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội…


Một phiên tòa giả định về phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại trẻ em được phối hợp tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về công tác này

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, cho rằng: “Vấn nạn xâm hại trẻ em do sự tác động của phim ảnh bạo lực, khiêu dâm; một bộ phận người dân có lối sống thực dụng, ăn chơi buông thả, dễ bị ảnh hưởng bởi văn hóa phẩm đồi trụy; một số gia đình thiếu sự quản lý, quan tâm giáo dục con em. Ngoài ra, tình trạng các em nhỏ chưa đủ tuổi lao động nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ra thành thị tìm việc làm và xa gia đình với độ tuổi còn non nớt về nhận thức, thiếu kỹ năng sống, dễ bị tội phạm lợi dụng xâm hại”.

Năm 2019, Công an, Hội LHPN, Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019-2022. Trong quá trình thực hiện chương trình phối hợp 4 ngành đã thực hiện tốt trong công tác phối hợp nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, nhận thức về bình đẳng giới, phát hiện những vấn đề về giới.

Theo đó, ngành công an thực hiện đúng quy trình về tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Áp dụng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản cho người cung cấp tin, nạn nhân… nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em gái. Kịp thời xử lý, khởi tố, điều tra vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái và có biện pháp phù hợp trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em gái theo quy định của pháp luật. Lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh tiến hành đồng bộ các biện pháp phòng, chống tội phạm với tinh thần kiên quyết làm rõ, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tăng cường công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp hành chính đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Ngành tòa án và viện kiểm sát nhân dân các cấp cùng làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái.

Đặc biệt là Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền tích cực cho công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái. Sau khi ký kết chương trình phối hợp Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã triển khai chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thị, thành phố và các Hội LHPN trực thuộc Hội LHPN tỉnh thực hiện công tác phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái.

Theo đó, trong năm 2019 Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo cơ sở hội triển khai, thực hiện tốt các mô hình về bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái; các mô hình tuyên truyền pháp luật trong hội viên, phụ nữ, như: Duy trì 366 địa chỉ tin cậy với 1.385 thành viên, 45 Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật với 1.118 thành viên.

Tại các địa phương, Hội LHPN các cấp cũng triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm phòng ngừa tình trạng xâm hại trẻ em; tổ chức nói chuyện chuyên đề “Phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em” có 1.886 cán bộ, hội viên, học sinh tham gia. Hội LHPN huyện Dầu Tiếng tổ chức 4 buổi nói chuyện chuyên đề cho 1.625 em học sinh về phòng, chống bạo lực học đường, những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống của học sinh và những tệ nạn xã hội xảy ra trong lứa tuổi học sinh. Ngoài ra, Hội LHPN huyện Dầu Tiếng mở 2 lớp dạy võ miễn phí về “Kỹ năng phòng, chống xâm hại” cho 70 trẻ em nữ.

Trong năm 2020, Hội LHPN tỉnh tiếp tục thực hiện chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Nhìn chung, từ khi Luật Trẻ em 2016 ra đời đã tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng thuận lợi hơn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của ngành theo quy định của luật. Mặt trận và các đoàn thể nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện nhiều hơn của chính quyền, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều 91 Luật Trẻ em 2016. Các cấp Hội LHPN trong tỉnh tập trung công tác tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ, kịp thời hỗ trợ giúp đỡ trẻ em khi có những vụ việc xâm hại, bạo lực gia đình, bạo lực học đường. Hội LHPN các cấp phối hợp với các ngành tập trung nguồn lực chăm lo cho trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi, con em công nhân lao động. Sắp tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành trong việc tổ chức thực hiện Luật Trẻ em năm 2016; các đề án chương trình của Chính phủ phê duyệt và được UBND tỉnh cụ thể hóa ban hành kế hoạch, quy định, đặc biệt là chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Dương tội phạm xâm hại trẻ em đang có chiều hướng gia tăng về số lượng, tập trung tại các thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong số các tội phạm xâm hại trẻ em thì tội phạm hiếp dâm trẻ em và tội giao cấu chiếm tỷ lệ cao so với các loại tội phạm xâm hại trẻ em khác.

Trong năm 2019, Công an tỉnh đã phát hiện 49 vụ với 49 đối tượng cùng 50 trẻ em bị xâm hại. Lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã điều tra làm rõ, khởi tố 43 vụ với 43 đối tượng.

 TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=762
Quay lên trên