Phòng ngừa bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết: Không nên chủ quan

Cập nhật: 22-05-2013 | 00:00:00

Thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện để bệnh sốt xuất huyết (SXH) và bệnh tay chân miệng (TCM) phát triển. Dù chưa vào cao điểm, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh SXH và TCM đã xuất hiện khá nhiều…

 Phòng bệnh TCM - cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ

Nắng nóng và chật chội nên nhiều người nhà đưa bệnh nhi ra nằm ngoài hành lang cho mát. Chị Thủy ở TX.Thuận An có con 3 tuổi đang điều trị ở khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, chị gửi con ở nhà trẻ tư nhân. Vợ chồng chị đi làm công nhân. Khi thấy con nổi bọng nước ở tay, chị lo lắng đem con đi khám và bác sĩ (BS) đang giữ lại, cho nằm viện để theo dõi bệnh TCM. Cùng phòng với chị Thủy có nhiều bà mẹ khác đang lo lắng nhìn con. Họ sợ con có biến chứng nặng hơn. Một anh đang phụ vợ chăm con nhỏ ở khoa nhi cũng cho biết: “Tôi đi làm ở công ty, khó xin nghỉ nhưng không yên lòng để vợ chăm con một mình nên phải năn nỉ đổi ca sang làm đêm để ban ngày chạy vào bệnh viện phụ vợ được lúc nào hay lúc đó. Với lại, nghe con mắc bệnh TCM là… hoảng rồi, không làm lụng gì được”.

Theo BS Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đây là thời điểm bắt đầu bùng phát dịch TCM. Dịch bệnh thường xuất hiện và kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8, cao điểm từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Theo số liệu chúng tôi ghi nhận tại khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tính từ đầu năm đến ngày 15-5, có 95 ca mắc bệnh SXH. Chỉ riêng trong ngày 16-5, khoa nhi đã tiếp nhận gần 20 ca nội trú, đó là chưa kể những bệnh nhân ngoại trú. So với cùng kỳ năm trước, số bệnh nhân ít hơn rất nhiều. Dù chưa vào cao điểm nhưng chúng ta không nên lơ là, mất cảnh giác mà vẫn phải tăng cường giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ, tránh mắc bệnh cũng như tránh lây lan cho mọi người xung quanh. BS Nguyệt cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh rằng, khi thấy trẻ biếng ăn, sốt, xuất hiện những nốt đỏ ở lòng bàn tay, chân và ở đầu lưỡi, loét miệng… phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời.

Cần chủ động phòng chống SXH

Tính từ đầu năm đến ngày 15-5, khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận 285 ca bệnh TCM. So với cùng kỳ năm trước, số bệnh nhân bị SXH cũng thấp hơn. Tuy nhiên, theo các BS, người dân cần chủ động phòng ngừa bệnh SXH. Đây là biện pháp hữu hiệu nhất đối với loại bệnh này, vì hiện nay SXH cũng chưa có thuốc phòng ngừa và điều trị đặc hiệu.

Trao đổi với chúng tôi về bệnh SXH, BS Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh cho biết, trung tâm hiện đang thực hiện chương trình nói chuyện chuyên đề về bệnh SXH tại một số công ty, trường học, khu dân cư nhằm nâng cao ý thức phòng, chống bệnh SXH trong cộng đồng. Đây là bệnh lan truyền nhanh làm nhiều người mắc bệnh, có thể bộc phát thành dịch đe dọa đến sức khỏe cộng đồng. Bệnh mắc phải ở mọi lứa tuổi và muỗi vằn (Aedes aegypti) chính là thủ phạm truyền bệnh từ người sang người. Muỗi vằn thường sống trong nhà, ở những chỗ tối, gầm bàn, hộc tủ, quần áo treo trên vách…

Khi thấy các dấu hiệu, như: sốt cao đột ngột kéo dài liên tục từ 2 - 7 ngày, khó làm hạ sốt; xuất huyết: chấm xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu nướu răng, vết bầm trên da; phân có máu… nên nghi ngờ mắc SXH. Trường hợp nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà bằng cách hạ sốt (lau nước ấm, dùng thuốc paracetamol liều 10mg/ kg cân nặng), tuyệt đối tránh dùng aspirine, cho uống nhiều nước trái cây, không được cạo cắt lể… Cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế khi thấy các dấu hiệu chuyển nặng, như: vật vã li bì, đau bụng, ói mửa, tay chân lạnh.

Cũng theo BS Tuyết, muỗi vằn là thủ phạm, lăng quăng là nguồn gốc SXH. Diệt lăng quăng (bọ gậy) là cách phòng ngừa SXH dễ làm, rẻ tiền và tốt nhất. Để diệt lăng quăng, cần làm nắp đậy kín các lu khạp chứa nước, không để cho muỗi vào đẻ trứng; phòng muỗi đốt bằng cách mặc áo dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày; loại bỏ nơi cư trú muỗi bằng cách làm cho nhà thoáng mát, tăng ánh sáng, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, không treo quần áo bừa bãi…

TCM và SXH là 2 bệnh có tính lây truyền cao. Chủ động phòng ngừa là biện pháp hữu hiệu nhất mà người dân cần quan tâm để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình.

• H.THUẬN - Q.NHƯ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=404
Quay lên trên