Phòng ngừa dịch tả heo châu Phi: Không lơ là, chủ quan

Cập nhật: 09-05-2019 | 08:55:17

Trước thông tin dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 2 huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, các ngành chức năng của tỉnh đã đưa ra nhiều kịch bản để chủ động ứng phó, phòng chống dịch và khẩn trương thực thiện các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hà Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh.

- Mới đây, tại 2 huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đã xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Vậy, nguy cơ lây lan dịch bệnh sang Bình Dương như thế nào, thưa ông?

- Tỉnh Đồng Nai vừa xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi. Đây là tỉnh có ngành chăn nuôi heo lớn nhất cả nước, lượng heo xuất đi các tỉnh khá cao, vì thế nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn cho các tỉnh, thành lân cận. Nhất là trong điều kiện tại các tỉnh, thành lân cận, chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều, ý thức của một bộ phận người chăn nuôi, thương lái chưa cao. Bình Dương hiện chưa xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi nhưng do là địa phương tiêu thụ thịt heo lớn, lại nằm giáp ranh với Đồng Nai nên nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm vào tỉnh là rất lớn.

 Lực lượng chức năng của tỉnh kiểm tra, xử lý một trường hợp vận chuyển thịt heo không đúng quy định trên địa bàn TX.Tân Uyên. Ảnh: TIỂU MY

Theo thống kê, hàng ngày có hơn 500 con heo từ tỉnh Đồng Nai vận chuyển vào địa bàn tỉnh Bình Dương để giết mổ. Bên cạnh đó, còn có một số lượng lớn thịt heo đã giết mổ được người dân vận chuyển bằng xe máy, ô tô từ Đồng Nai về Bình Dương tiêu thụ. Đây cũng là một nguy cơ làm lây nhiễm dịch bệnh. Nói chung, trong thời điểm này nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi vào Bình Dương là rất cao.

- Xin ông cho biết, hiện các ngành chức năng đã có biện pháp gì để ngăn chặn dịch tả heo châu Phi?

- Trước tình hình dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan cao, từ đầu năm 2019 các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác phòng chống. Riêng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã tăng cường kiểm tra tình hình dịch bệnh tại các trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, việc vận chuyển kinh doanh, giết mổ heo trên địa bàn; thực hiện tốt việc tiêm phòng định kỳ cho đàn heo.

Bên cạnh đó, chi cục tham mưu thành lập 2 chốt kiểm dịch tạm thời để chủ động ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào tỉnh. Đơn vị cũng phối hợp với báo, đài ở địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về bệnh dịch tả heo châu Phi; khuyến cáo các biện pháp phòng chống dịch; tuyên truyền để người tiêu dùng không tẩy chay thịt heo.

Mới đây, tỉnh đã thành lập một đoàn công tác để kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh, hoạt động từ ngày 6-5-2019. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo Đội kiểm tra liên ngành các cấp và các chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời tích cực phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển thịt heo từ tỉnh Đồng Nai sang Bình Dương tiêu thụ không đúng quy định.

- Ông có khuyến cáo gì đối với người chăn nuôi, người dân trong tỉnh trước việc dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại tỉnh Đồng Nai?

- Với người chăn nuôi trên địa bàn, không nên hoang mang, bán chạy heo, vì như thế sẽ bị ép giá không đáng có. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần tăng cường phòng dịch cho trại của mình, cụ thể: Định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi bằng vôi bột hoặc hóa chất; hạn chế người ra vào trại; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch; kiểm soát tốt côn trùng, động vật hoang dã, không để các vật nuôi khác tiếp xúc với heo, không chăn nuôi heo thả rông, không sử dụng thức ăn thừa để chăn nuôi heo.

Người chăn nuôi cũng cần theo dõi, giám sát đàn heo thường xuyên; nếu phát hiện heo bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả heo châu Phi, heo chết không rõ nguyên nhân phải báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y địa phương.

Đối với người dân, không nên quá lo lắng vì bệnh dịch tả heo châu Phi chỉ lây nhiễm và gây bệnh trên heo, không lây sang người và các động vật khác. Dịch bệnh này đã xảy ra ở một số địa phương trong nước nhưng đã được các cơ quan chức năng kiểm soát tốt. Heo bệnh đã được tiêu hủy và Nhà nước đã hỗ trợ cho người chăn nuôi ở mức thỏa đáng nên không có tình trạng bán chạy heo bệnh.

Người dân không nên tẩy chay thịt heo, nên chọn mua thịt heo ở các quầy sạp uy tín, bán thịt sạch, an toàn có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y. Người dân nên nấu chín thức ăn, tuyệt đối không sử dụng tiết canh, thịt hun khói… Khi phát hiện thực phẩm kém chất lượng, người dân cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời theo quy định.

- Xin cảm ơn ông!

 Theo công bố của UBND huyện Trảng Bom (Đồng Nai), dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại ấp Tân Đạt, xã Đồi 61. Vùng bị dịch uy hiếp trong phạm vi 3km. Ổ dịch xuất phát từ đàn heo của ông Nguyễn Văn Đằng. Trước đó, phát hiện đàn heo của ông Đằng mắc bệnh rồi chết, cơ quan chức năng đã lấy mẫu đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy, heo của ông Đằng mắc bệnh dịch tả heo châu Phi. Cơ quan chức năng ở Đồng Nai liền tiến hành tiêu hủy, tiêu độc khử trùng xung quanh.
Trước đó, UBND huyện Nhơn Trạch cũng công bố dịch bệnh tả heo châu Phi xảy ra tại xã Phước Thiền, phạm vi ảnh hưởng tương tự như ổ dịch ở Trảng Bom.

TIỂU MY (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1075
Quay lên trên