Phòng và điều trị thừa cân, béo phì ở trẻ em

Cập nhật: 14-06-2011 | 00:00:00

Theo Tổ chức Y tế thế giới “thừa cân là tình trạng cân nặng vượt quá cân nặng nên có so với chiều cao. Còn béo phì (BP) là tình trạng tích lũy mỡ thái quá và không bình thường một cách cục bộ hay toàn thể tới mức ảnh hưởng xấu đến sức khỏe”. Thừa cân và BP là một bệnh về dinh dưỡng quan trọng nhất ở các nước đang phát triển trong 2 thập niên qua. Việt Nam, tỷ lệ thừa cân và BP cũng ngày càng gia tăng nhất là ở các thành phố lớn và thừa cân BP là nguy cơ của các bệnh mạn tính có liên quan đến dinh dưỡng.

 

Tăng cường vận động, luyện tập thể dục thể thao góp phần chống thừa cân béo phì. Ảnh: ÁNH SÁNG

Nguyên nhân của thừa cân BP: Khẩu phần ăn và tập quán ăn uống do sợ trẻ bị suy dinh dưỡng nên các bậc phụ huynh đều ép con ăn quá mức năng lượng cho phép ở lứa tuổi của trẻ, hoặc thói quen ăn thêm vào buổi tối trễ, ăn lúc xem ti vi; Trẻ ít vận động: cha mẹ thường chìu trẻ hoặc do trẻ hay nghịch ngợm phá phách nên thường cho trẻ xem phim hoặc trẻ lớn chơi game; hoặc trẻ có lối sống thụ động không tập thể dục thể thao; Yếu tố di truyền: có sự đáp ứng sinh nhiệt kém có thể do di truyền. Nếu cả bố và mẹ bị BP thì có 80% khả năng con họ bị BP; nếu cha hoặc mẹ bị BP thì có 40% khả năng con họ bị BP trong khi nếu cả cha và mẹ không bị BP thì chỉ có 7% con họ bị BP.

Hậu quả của thừa cân BP: Tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong hơn bình thường. Một số vấn đề thường gặp: Rối loạn thở khi ngủ dễ bị ngưng thở khi ngủ và tăng nguy cơ phát triển bệnh hen (suyễn). Bệnh gan nhiễm mỡ. Xu hướng trưởng thành trước tuổi và trưởng thành sớm về mặt tình dục. Trẻ gái dễ rối loạn hành kinh và có nguy cơ ảnh hưởng khả năng sinh sản khi trưởng thành. Rối loạn dung nạp đường và bệnh tiểu đường. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Bệnh não; Ảnh hưởng về mặt tâm lý xã hội cho trẻ: bị bạn trêu đùa, không tự tin trong giao tiếp,...

Phòng bệnh thừa cân BP cho trẻ: Phụ nữ trước khi mang thai: Theo dõi sức khỏe tránh để thừa cân BP, phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh tiểu đường trước khi mang thai.

Phụ nữ mang thai: Dinh dưỡng hợp lý, không để suy dinh dưỡng trong mang thai 3 tháng đầu; điều trị bệnh kịp thời để trẻ không bị suy dinh dưỡng bào thai; theo dõi thai định kỳ, làm xét nghiệm đường huyết tốt nhất mỗi tháng một lần để phát hiện sớm bệnh tiểu đường thai kỳ.

Sau khi trẻ được sinh ra: Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời; Ăn dặm đúng thời gian, bảo đảm hợp lý theo lứa tuổi; Theo dõi tăng trưởng trẻ định kỳ hàng tháng hoặc ít nhất 3 tháng 1 lần, nếu trẻ có dấu hiệu thừa cân phải tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên chuyên dinh dưỡng.

Vấn đề điều trị trẻ bị thừa cân BP:

- Thay đổi chế độ ăn: Cải thiện chất lượng ăn bảo đảm đủ nhu cầu năng lượng và trẻ dễ chấp nhận, giảm nguồn năng lượng từ chất béo, chất bột đường, hạn chế thức ăn chiên xào.

- Thay đổi thói quen ăn, uống: ăn gì, ăn ở đâu, ăn khi nào, ăn như thế nào; hạn chế ăn quà vặt, nước uống chế biến sẵn, hạn chế ăn thêm vào buổi tối trước khi đi ngủ dưới 1 giờ.

- Tăng cường hoạt động thể lực: cho trẻ chơi trò chơi hoặc chơi thể thao phù hợp với nhóm tuổi và cường độ luyện tập đúng không quá sức trẻ. Hạn chế xem ti vi, chơi vi tính.

- Đánh giá thừa cân BP là khó nên định kỳ đưa trẻ đến cơ sở y tế theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ để điều trị hiệu quả và nhận thêm những hướng dẫn chế độ duy trì cho trẻ.

 BS. BẠCH TUYẾT

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=485
Quay lên trên