Phú Chánh đổi thay

Cập nhật: 02-06-2012 | 00:00:00

Đó là sự thật của ngày hôm nay mà những người gắn bó với Phú Chánh (Tân Uyên) từ trước những năm 2000 không hề dám mơ tới. Và đó cũng là một minh chứng sống động cho tính đúng đắn trong đường lối đổi mới của Bình Dương.

Xã nghèo đổi thay

Phú Chánh ngày chưa có Thành phố mới Bình Dương là một trong những xã nghèo của huyện Tân Uyên. Bởi xã nằm xa trung tâm huyện, lại là cách khá xa TX.TDM nên cũng chẳng có cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nào. Đó là còn chưa kể trong chiến tranh, Phú Chánh là một trong những xã bị chiến tranh tàn phá khốc liệt. Cái nghèo thể hiện ở cơ cấu kinh tế toàn xã ở những năm 2000-2005, xã có 100% số hộ làm nông nghiệp.

Tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Trừ, Chủ tịch UBND xã Phú Chánh thì chỉ thấy ông trầm ngâm nhớ lại ngày xưa: “Hồi đó, mình chỉ có mỗi một cách là làm nông nghiệp, chỉ có chăn nuôi, trồng trọt mới nuôi sống được cho cả gia đình mà thôi. Ngày ngày tháng tháng, cứ xong việc ở ủy ban là phải về nắm lấy cây cuốc, cái cày để làm môn, làm đậu, trồng thuốc lá... rồi sau này khá hơn tí thì có cây cao su”. Quả thật, ngày ấy Phú Chánh chỉ có trồng trọt và chăn nuôi là có thể mang lại thu nhập mà thôi.

Giờ đây, diện tích đất nông nghiệp của xã vẫn còn khá lớn, khoảng 504 ha/815,44 ha toàn xã nhưng nông nghiệp không còn là nguồn thu nhập chính của dân Phú Chánh. Giờ Phú Chánh chỉ còn khoảng 30% số hộ sống dựa vào nông nghiệp. Số còn lại được gọi vui là “hộ bán nông nghiệp”. Tức người già làm nông nghiệp còn thanh niên thì đi vào làm các công ty tư nhân hoặc mở công ty, cơ sở kinh doanh dịch vụ.  

Phú Chánh hôm nay đổi thay mạnh mẽ cùng với sự hình thành của Thành phố mới Bình Dương và KCN VISIP II đi vào hoạt động

Theo ông Nguyễn Văn Trừ thì từ ngày Thành phố mới Bình Dương hình thành thì xã Phú Chánh bỗng dưng trở thành... ven đô. Từ trung tâm xã đi về hướng tây chỉ độ 1km đã vào đến thành phố mới. Từ đây, đoạn đường ĐT742 đi qua xã được làm mới và mở rộng dẫn đến những thay đổi lớn về mặt hạ tầng. Các tuyến đường giao thông nông thôn của xã cũng được đầu tư làm mới liên tục.

Đến khi KCN VSIP II chính thức đi vào hoạt động với hàng chục ngàn công nhân đổ về ở trọ, sinh hoạt thì Phú Chánh thực sự thay đổi. Dịch vụ cho thuê nhà ở công nhân và các dịch vụ đi kèm của người dân địa phương có dịp nở rộ để phục vụ cho lượng công nhân rất lớn này. Trước năm 2005, xã Phú Chánh thuần nông nhưng đến nay xã đã có đến 300 cơ sở kinh doanh, dịch vụ. Chính nhờ vào điều này mà dù hiện tại vẫn chưa có công ty sản xuất quy mô công nghiệp nào trú đóng trên địa bàn nhưng bộ mặt kinh tế - xã hội của Phú Chánh đã đổi thay hoàn toàn.

Nông thôn mới là đây!

Dù chỉ mới thông qua phương án Quy hoạch xã nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 vào giữa quý I-2012 nhưng tính đến nay, Phú Chánh đã đạt 7/19 tiêu chí và 21/39 chỉ tiêu chung. Thu nhập bình quân đầu người của Phú Chánh cũng thuộc loại cao so với mặt bằng chung toàn tỉnh: 25 triệu đồng/năm. Như thế, nói Phú Chánh là xã nông thôn mới khi chưa tiến hành xây dựng “Nông thôn mới” cũng không ngoa chút nào. Bởi bản thân nội lực của xã đã cận chuẩn rồi.

Nhưng tiềm lực của Phú Chánh đâu chỉ có thế. Mà chắc chắn xã này sẽ còn phát triển thêm rất nhiều trong thời gian tới. Bởi Phú Chánh đang nắm giữ quá nhiều lợi thế để tiến đến một đô thị trong tương lai không xa. Hiện xã đang được đầu tư, xây dựng cơ bản khá nhiều để đi đến việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Thêm vào đó, Cụm công nghiệp Phú Chánh I với quy mô 139 ha sắp đi vào xây dựng và hoạt động cũng là thông tin mang lại nhiều niềm vui đối với người dân nơi đây. Người ,Phú Chánh xưa kia cũng đã từng có những phân vân, trăn trở khi điền sản của họ dính vào quy hoạch chung của Thành phố mới Bình Dương và KCN VISIP II. Nhưng kể từ khi 1.193 ha đất của Phú Chánh ngày xưa được sử dụng vào quy hoạch chung, lợi ích đem lại cho người dân ở đây là quá to lớn. Bởi vậy, hơn ai hết người dân nơi đây hiểu được những tác động tích cực của công nghiệp hóa. Công nghiệp phát triển sẽ đi kèm với các dịch vụ. Và việc Cụm công nghiệp Phú Chánh dù còn 2 hộ nữa mới giải phóng xong mặt bằng nhưng có đến 7 công ty gỗ đăng ký đầu tư làm ăn khiến không ít người khấp khởi mừng. 7 công ty gỗ lấp đầy cụm công nghiệp và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động kèm theo những cơ hội kinh doanh mới cho người dân địa phương.

Xa hơn nữa, Phú Chánh sẽ có một bệnh viện được đầu tư và đi vào hoạt động. Bệnh viện Lao và Tâm thần Bình Dương với diện tích 8,1 ha sẽ được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động tại Phú Chánh trong tương lai không xa. Đó cũng là một thông tin mang lại nhiều hy vọng cho người Phú Chánh. Bởi một số dịch vụ đi kèm sẽ có dịp phát triển khiến cho thu nhập từ nguồn dịch vụ sẽ tăng lên.

Nông thôn đang đổi mới từng ngày. Đó không phải là câu chuyện chỉ mới được phác thảo trên những văn bản mà nó đang hiện hữu và sống động ở Phú Chánh. Đó đâu chỉ là niềm ước ao đổi đời hay thoát đời nông phu cơ cực của người Phú Chánh, mà còn là một trong những mảnh ghép sinh động trong bức tranh công nghiệp hóa, đô thị hóa của Bình Dương hôm nay.

Giảm nghèo mạnh mẽ

Dù trước đây là một xã nghèo với số hộ nghèo và cận nghèo chiếm tỷ lệ khá lớn trong số 1.233 hộ toàn xã, nhưng trong những năm gần đây Phú Chánh thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo khá tốt. Tính đến đầu năm 2011, Phú Chánh còn 93 hộ nghèo, chiếm 7,7% và 28 hộ cận nghèo, chiếm 2,3%. Tuy nhiên, chỉ riêng trong năm 2011, xã Phú Chánh đã thực hiện nhiều biện pháp xóa đói giảm nghèo có hiệu quả rõ rệt.

Xã đã vận động và tặng quà tổng giá trị 46,3 triệu đồng cho toàn thể 93 hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán. UBND xã cũng khảo sát và xét hỗ trợ xây dựng 3 nhà Đại đoàn kết cho người nghèo bằng nguồn vốn của huyện, nhận và cấp phát 454 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và cận nghèo. Ngoài ra, xã Phú Chánh còn xây 2 căn nhà tình thương cho hộ nghèo và khó khăn về nhà ở với tổng số tiền là 41 triệu đồng. Xã sửa chữa 1 căn nhà cho 1 hộ thuộc ấp Phú Bưng với số tiền là 8 triệu đồng. 

Không chỉ xây nhà tình thương, hay tặng quà, cấp bảo hiểm y tế mà xã cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Uyên cho hộ nghèo và cận nghèo vay vốn lên đến 747 triệu đồng (68 hộ). Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo giảm nghèo của xã còn thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các hộ này sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Chính nhờ những hoạt động khá hiệu quả trên mà đến cuối năm 2011, qua phúc tra đã có đến 58 hộ của xã thoát nghèo. Đó là một con số khá ấn tượng nhưng phản ánh đúng những nỗ lực của chính quyền và nhân dân toàn xã Phú Chánh. Và thật bất ngờ, những ngày cuối tháng 5-2012, khi tiếp xúc với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Trừ vui mừng cho biết: “Xã Phú Chánh bây giờ chỉ còn 14 hộ nghèo. Chúng tôi sẽ cố gắng giúp các hộ này thoát nghèo trong tương lai không xa. Đây quả là sự nỗ lực tuyệt vời của bà con và Ban Chỉ đạo giảm nghèo của xã. Không những thế, chúng tôi sẽ cố gắng vận động nhân dân cùng nhau làm giàu. Nhân dân xã Phú Chánh sẽ làm giàu theo bước đường công nghiệp hóa của địa phương”.

 

KHÁNH VINH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=276
Quay lên trên