Không thể thờ ơ với dịch sởi bùng phát nhưng cũng không nên “nói quá vấn đề”. Đó là ý kiến chung của nhiều bác sĩ, cán bộ Sở Y tế. Cùng ý kiến này, bác sĩ Nguyễn Văn Nhưỡng, khoa Nhi BVĐK tỉnh, cho biết phụ huynh có con nhỏ không nên quá hoang mang và chủ động đưa con đi tiêm ngừa sởi…
Bệnh nhi bị sởi đang điều trị tại khu cách ly BVĐK tỉnh Ảnh: H.CẦN
Là người trực tiếp điều trị nhiều ca bệnh nhi sởi kể cả biến chứng do sởi trong mấy ngày qua, bác sĩ Nhưỡng cho rằng lo lắng cho sức khỏe của con em mình là đúng nhưng không nên quá hoang mang về bệnh này. Theo bác sĩ Nhưỡng, 2 ngày qua số bệnh nhi mắc sởi tăng từ 40 ca lên 61 ca. Hiện có 3 ca nặng, đang thở ô-xy và điều trị tại phòng Cấp cứu. Có 2 ca nặng hơn đang thở máy tại khoa Nhi nhưng không phải do sởi. Với BN là trẻ em, đa số trẻ mắc bệnh là vài tháng đến 5 tuổi. Qua thăm hỏi phụ huynh, có hơn 50% số BN chưa tiêm ngừa vắc-xin phòng sởi.
Phụ huynh cần chú ý chăm sóc con trong thời điểm này thật kỹ. Cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và giữ vệ sinh thân thể thật tốt. Phòng học, phòng ngủ thoáng mát, thông gió. Thầy cô giáo chú ý phát hiện sớm trường hợp trẻ bị bệnh sởi và khuyến cáo phụ huynh không nên đưa con em đến trường để tránh lây nhiễm ra cộng đồng…
Cũng theo bác sĩ Nhưỡng, bệnh sởi là bệnh lành tính và có thể khỏi sau 7 - 10 ngày. Lo lắng là với những ca biến chứng sau sởi. Đó là viêm phổi, tiêu chảy, viêm kết mạc gây mù mắt, suy dinh dưỡng... BN mắc sởi cũng dễ mắc thêm các bệnh khác. Với BN sởi đang điều trị cách ly ở bệnh viện, sau khi hết bệnh, hết khả năng lây nhiễm sẽ cho xuất viện và hẹn tái khám, theo dõi tiếp tục. Hiện nay chưa ghi nhận tình trạng lây nhiễm chéo ở khoa nhi nhưng “trên lý thuyết, nếu tập trung bệnh ở tuyến trên đông, không điều trị đúng, kịp thời sẽ lây nhiễm chéo và khi đó, tình hình dịch sởi sẽ phức tạp hơn bác sĩ Nhưỡng chia sẻ.
HƯƠNG CẦN