Ban đầu quán cũng có vị trí ngon lành ở mặt tiền, nhưng khi con đường trở thành phố thời trang, chị chủ quán đành lui vào trong hẻm, sau căn nhà mặt tiền, nhường chỗ cho các chủ shop thời trang thuê với giá cao gấp nhiều lần.
Quán bán bún riêu bình dân, giá chỉ từ 15.000 đồng trở xuống. Quán nhỏ, bàn ghế xập xệ nhưng tầm 9 giờ sáng là hết sạch. Khách quen đa số là cư dân trong hẻm, còn lại là người chạy xe ôm và mua bán ve chai xung quanh khu vực.
Ngoài việc giúp thực khách no bụng mỗi buổi sáng trước khi bắt tay vào một ngày làm việc, chị chủ quán tính tình xởi lởi còn hay thích làm những chuyện bao đồng. Người trong hẻm đa số là công nhân, công chức. Sáng sớm, nhiều người lu bu chuẩn bị đi làm, có việc gì cần giúp là chạy ra quán bún của chị.
Người gửi chị chùm chìa khóa cửa, lát nữa có người nhà ở quê lên chơi nhờ chị trao lại giùm. Người gửi chị con cá cho thằng cháu nội. Ba má nó đã đóng cửa đi làm, nhờ chị bỏ vô thau nước giữ cho con cá còn sống, trưa mẹ cháu về nấu cháo cho ngon. Có khi quán đông khách, mặc dù bận rộn, chị vẫn nhận trông chừng thằng bé, ba mẹ nó đã trễ giờ làm mà chị giúp việc chưa đến…
Người đi làm xa lâu lâu trở về, ai cũng thích ra ngồi quán của chị. Một phần vì quen mùi vị, phần quan trọng hơn là được nghe chị kể chuyện dân tình trong hẻm, những chuyện linh tinh như ai vừa mới đến ở, con gái nhà ai vừa đi lấy chồng xa. Những câu chuyện nhỏ thân thương khiến người đi xa man mác một nỗi nhớ quê nhà, để rồi dù có đi đâu, ai cũng muốn quay về.
MINH HOÀNG