Quan tâm đầu tư xây dựng trường lớp khang trang, hiện đại

Cập nhật: 27-12-2021 | 09:11:26

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Trong 25 năm xây dựng và phát triển, sự nghiệp giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tỉnh nhà có sự đổi thay không ngừng. Trong đó, trường lớp không chỉ phát triển nhanh về số lượng mà còn được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quy mô cũng như đổi mới giáo dục.

 Trường lớp trên địa bàn huyện Phú Giáo được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại

 Đầu tư xây dựng trường lớp

Nếu như năm học 1997-1998, năm học đầu tiên sau khi tách tỉnh, ngành GD-ĐT tỉnh nhà có 234 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT, thì đến đầu năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 728 trường. Từ con số trên cho thấy, trường lớp ở khắp các địa phương trong tỉnh đã tăng nhanh theo thời gian. Đặc biệt, giai đoạn 2010-2020, sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh phát triển nhanh, tăng 396 cơ sở giáo dục và 308.486 học sinh (HS).

TS Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT, đánh giá từ năm 1997-2020, ngành GD-ĐT tỉnh đã tập trung triển khai nhiều chương trình hành động của Tỉnh ủy và quy hoạch, đề án, kế hoạch của UBND tỉnh. Đặc biệt, giai đoạn 2010-2020, ngành GD-ĐT đã có những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, tham mưu và tổ chức thực hiện các đề án, kế hoạch theo chỉ đạo của UBND tỉnh đối với công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học và tập trung “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT”.

Trong giai đoạn 2010-2015, ngành GD-ĐT đã tham mưu quy hoạch hệ thống trường học các cấp, nâng tỷ lệ 100% xã, phường, thị trấn có trường mầm non, tiểu học và 75,82% địa phương có trường THCS. Giai đoạn 2016-2020, ngành GD-ĐT củng cố vững chắc tỷ lệ nêu trên đối với cấp mầm non, tiểu học qua việc phối hợp với các sở, ngành và UBND huyện, thị, thành phố tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đầu tư tăng quy mô phát triển trường tiểu học công lập. Đối với cấp THCS, ngành tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và UBND cấp huyện tham mưu UBND tỉnh mở rộng quy hoạch phát triển cấp THCS đối với những địa phương chưa có trường THCS, qua đó nâng tỷ lệ đơn vị cấp xã có trường THCS từ 75,82% lên 81,31%.

Để nâng cao chất luợng GD-ĐT, cơ sở vật chất trường lớp là một trong những yếu tố quyết định. Đối với cấp trung học, ngành GD-ĐT phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện, thị, thành phố tham mưu đầu tư thêm trường THPT cho những địa phương có số HS tăng nhanh, đồng thời nâng cấp mở rộng trường THPT Trịnh Hoài Đức (TP.Thuận An) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của trường THPT chất lượng cao. Giai đoạn 2010-2021, ngành GD-ĐT đã được đầu tư 284 công trình và hạng mục công trình trường học với tổng kinh phí gần 13.000 tỷ đồng. Hiện nay, 100% trường học các cấp được xây dựng kiên cố. Đặc biệt, trường học cấp THCS, THPT và giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đều là công trình kiên cố 2 tầng trở lên.

Trang thiết bị hiện đại

Đi đôi với đầu tư xây dựng trường lớp, trang thiết bị dạy học cũng được đầu tư đồng bộ. Theo TS Nguyễn Thị Nhật Hằng, đặc biệt giai đoạn 2010- 2020, khi các đề án, kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục được triển khai, công tác đổi mới phương pháp dạy học được tăng cường và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học trở nên cấp thiết, ngành GD-ĐT đã nâng cao chất lượng đầu tư mua sắm thiết bị dạy học theo hình thức mua sắm tập trung. Tính đến thời điểm hiện tại, 100% trường học các cấp trong tỉnh đã bảo đảm được trang bị thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ GD-ĐT.

Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, ngành còn trang bị cho các trường thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại. Được sự quan tâm của tỉnh, nhiều năm qua, ngành GD-ĐT đã được đầu tư trang thiết bị dạy học, đặc biệt là thiết bị dạy học hiện đại phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục hiện nay của các nước trong khu vực và trên thế giới. Được trang bị thiết bị hiện đại, đội ngũ giáo viên đã chịu khó học hỏi, thực hành các thiết bị thường xuyên để nâng cao hiệu quả sử dụng, đồng thời tạo hứng thú cho HS trong học tập, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

Hiện nay, ngành GD-ĐT đang từng bước đầu tư thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu dạy học theo phương pháp trải nghiệm, sáng tạo (STEM) và thiết bị dạy học hỗ trợ HS tiếp cận công nghệ 4.0 (thiết bị dạy học thông minh). Theo khảo sát của ngành, đến cuối năm 2020, toàn ngành có 97/377 trường công lập được trang bị thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại cho phòng học dùng chung, đạt 25,72%. Đối với phòng học STEM, đến tháng 12-2020, ngành GD-ĐT đầu tư được 54/377 trường công lập. Chỉ tính từ năm 2016 đến năm 2020, ngành GD-ĐT đã đầu tư 1.512,254 tỷ đồng cho công tác mua sắm thiết bị, máy móc, đồ chơi, sách giáo khoa để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, từng bước xây dựng mô hình giáo dục thông minh, chuyển đổi số trong giáo dục..

 Đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, 25 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm quy hoạch, đầu tư xây dựng trường học đáp ứng nhu cầu học tập cho con em nhân dân; đồng thời tạo mọi điều kiện cho ngành GD-ĐT phát triển. Các địa phương cũng đã đưa ra nhiều giải pháp về đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục; việc bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng trường học hàng năm cơ bản bảo đảm yêu cầu phát triển GD-ĐT.

 HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X