Quản trị chuỗi cung ứng logistics hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp

Cập nhật: 14-06-2024 | 11:23:24

(BDO) Bình Dương nỗ lực tận dụng lợi thế về vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng để phát triển ngành dịch vụ logistics, giúp giảm giá thành, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa lưu thông trong nước và xuất nhập khẩu, góp phần quan trọng đưa nền kinh tế của Bình Dương phát triển nhanh và bền vững.


Ông Nguyễn Thanh Toàn phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương về hoạt động dịch vụ và logistics của Bình Dương

Đa dạng hóa phương thức

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, với thuận lợi về vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, ngành dịch vụ logistics Bình Dương trong thời gian qua phát triển nhanh và mạnh, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp (DN). 

Tuy nhiên, chất lượng các dịch vụ này chưa cao so với thực tế. Trong đó, nhiều DN cung cấp dịch vụ logistics mới cung cấp được dịch vụ mức độ 1 - 2 (1PL, 2PL), số lượng trung tâm lớn cung cấp được dịch vụ mức độ 3PL, 4PL còn hạn chế; các nhà cung cấp dịch vụ chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong việc cung cấp thông tin. 

Bên cạnh đó, các DN logistics hiện nay phân bố chưa đồng đều, chủ yếu tập trung trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An. Dịch vụ vận tải hàng hóa chủ yếu bằng đường bộ chiếm trên 99% khối lượng vận chuyển hàng hóa, kết nối giữa các phương thức vận tải khác (đường sông và đường sắt) còn thiếu và yếu. Chi phí vận tải còn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistics.

“Trong định hướng phát triển dịch vụ logistics, Bình Dương thúc đẩy DN dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3 (3PL), 4 (4PL); hướng đến mức độ 5 (5PL) logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp. Đồng thời, hình thành mạng lưới liên tỉnh và liên quốc gia thông qua các phương thức vận tải đa dạng, dịch vụ logistics chất lượng cao, thúc đẩy mạnh mẽ bởi các trung tâm logistics hiện đại, thông minh, để tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới”, ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết.

Hiện tại, ở Bình Dương vận tải đường bộ chiếm hơn 90% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa, vì thế tỉnh ưu tiên bố trí đủ vốn thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ lập dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng; nâng cấp, mở rộng các đường Quốc lộ 13, ĐT743, ĐT747, ĐT746; tuyến đường nối Đất Cuốc - Thới Hòa (trùng tuyến Vành đai 4); Dự án xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng 2)...  


Cảng An Sơn

Để phát triển hệ thống vận tải đường sắt, kéo giảm chi phí, giảm áp lực vận tải đường bộ, trong giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đang đề xuất Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải xây dựng một số tuyến đường sắt, như: Tuyến đường sắt kết nối các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đến Cụm cảng Thị Vải - Cái Mép; kéo dài tuyến Metro số 1 TP.Hồ Chí Minh đến tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.

Bình Dương hiện có 4 cảng hàng hóa, 3 cảng chuyên dùng đang hoạt động. Trong giai đoạn 2021-2025 tiếp tục xây dựng và hình thành 10 cảng hàng hóa và 7 cảng chuyên dùng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải với khối lượng vận chuyển hơn 20 triệu tấn hàng hóa vào năm 2025.

Tỉnh cũng đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Giao thông - Vận tải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của ngành giao thông, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hạ tầng bến thủy nội địa, ICD - cảng sông; hoàn thành công tác xử lý đá ngầm trên sông Đồng Nai; nâng cao độ thông thuyền cầu ghềnh mới bảo đảm vận chuyển 3 lớp container khi thủy triều xuống; triển khai dự án cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn. Qua đó, hàng hóa từ các khu công nghiệp phía bắc của tỉnh được vận chuyển thông suốt đến cảng đầu mối, từ đó cắt giảm chi phí và giảm tải cho đường bộ. 

Cần cơ chế để hình thành trung tâm vệ tinh

Lãnh đạo Sở Công thương kiến nghị Chính phủ cần điều chỉnh quy hoạch phát triển và chiến lược tổng thể về sản xuất, kinh doanh của từng vùng, từng ngành, lĩnh vực khi có sự điều chỉnh nội hàm của tự do kinh tế, toàn cầu hóa, chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại và những bất định khó lường diễn ra với tần suất dày hơn. 


Các DN tham quan mô hình kho hiện đại tại triển lãm tại WTC Bình Dương

Cục Hải quan Bình Dương hiện là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai hiệu quả trong toàn ngành hệ thống thông quan điện tử tập trung, cơ chế một cửa quốc gia VNACCS/VCIS; thực hiện chữ ký số cho các DN làm thủ tục hải quan trên địa bàn tỉnh; triển khai 37 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (6 dịch vụ công mức độ 4 và 31 dịch vụ công mức độ 3); triển khai máy soi container di động tại các chi cục có hàng hóa container... nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc khai báo hải quan và thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu. 

Bà Cao Cẩm Linh, Trưởng ban Nghiên cứu Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics, cho rằng Bình Dương cần phải nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện về nền tảng vật chất và lực lượng lao động để đón đầu, tham gia và phát triển các loại hình và sản phẩm dịch vụ mới trong xu hướng thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, vốn để phát triển đội tàu vận tải biển, đặc biệt là đội tàu vận tải biển container để Việt Nam tham gia phân khúc vận tải đường dài, vươn ra các châu lục, phù hợp với xu hướng vận tải biển quốc tế.

Ở góc độ DN, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Bình Dương - Huỳnh Đinh Thái Linh, cho biết tiếp tục phối hợp với cấp, ngành triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức các chính sách pháp luật, các cam kết của Việt Nam đối với tổ chức WTO và Hiệp định Thương mại tự do có liên quan đến ngành dịch vụ logistics. Hỗ trợ giới thiệu, cung cấp thông tin các DN kinh doanh logistics cho các DN sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh nhằm kết nối, hợp tác kinh doanh giữa các DN trong và ngoài nước. Qua đó, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh của DN logistics Bình Dương, vừa hỗ trợ cho các DN sản xuất, xuất khẩu tiếp cận dịch vụ logistics với chi phí thấp nhất.

Để thực hiện tốt giải pháp nâng cao năng lực của DN giảm chi phí logistics, Sở Công thương phối hợp triển khai Đề án Nghiên cứu xây dựng chiến lược và chính sách phát triển bền vững hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để đạt mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa logistics là một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh; góp phần chuyển dịch tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đúng định hướng đến năm 2025 chiếm 28%, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành dịch vụ bình quân hàng năm khoảng 11%. 

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=811
Quay lên trên