Thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Bên cạnh đó, tỉnh đang nỗ lực nâng cao các chỉ số liên quan đến CCHC...
Cán bộ, công chức Trung tâm Hành chính công tỉnh giải quyết TTHC cho người dân
Quyết tâm chỉ đạo
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và Cục Kiểm soát TTHC về công tác cải cách TTHC theo định hướng CĐS, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị và nhiều chương trình, kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết từ ngày 1-1-2022, Bình Dương có 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Từ ngày 1-6-2023, tỉnh đã chuyển đổi thành DVC trực tuyến toàn trình, một phần, dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến và DVC trực tuyến đủ điều kiện không nhận hồ sơ giấy trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Bình Dương có 697 DVC trực tuyến toàn trình (36,82%), 692 DVC trực tuyến một phần (36,56%), 504 dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến (26,62%) và 731 DVC trực tuyến đủ điều kiện không nhận hồ sơ giấy (chiếm 37%). Đến nay, tỉnh có tổng số DVC trực tuyến là 1.586/1.890 (83,91%); trong đó 756/1.890 DVC trực tuyến toàn trình (40%), 830/1.890 DVC trực tuyến một phần (43,91%). UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai 100% quy trình khung, quy trình nội bộ giải quyết TTHC và số hóa hồ sơ 100% kết quả giải quyết TTHC.
Theo UBND tỉnh, công tác cải cách TTHC gắn với CĐS của tỉnh trong thời gian qua đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, như: Chỉ số PAPI 2 năm liền xếp hạng 2/63 tỉnh, thành, chỉ số hài lòng SIPAS xếp hạng 4/63 tỉnh, thành và 3 năm liên tiếp được vinh danh về chiến lược xây dựng thành phố thông minh trên thế giới.
Phát huy những kết quả đạt được, nhằm khắc phục những tồn tại, khuyết điểm và tăng tốc, quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, ngày 10- 8-2023, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo CCHC, CĐS, Đề án 06 và xây dựng thành phố thông minh để tăng cường công tác chỉ đạo, kết nối các nhiệm vụ, xác định nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, ưu tiên, làm đòn bẩy và thống nhất các nguồn lực đầu tư, tài chính, trang thiết bị… phấn đấu đạt kết quả các chỉ số chỉ đạo điều hành (CCHC, DTI, PAPI, PCI).
Khắc phục hạn chế, thực hiện đồng bộ giải pháp
Khó khăn hiện nay trong công tác cải cách TTHC theo hướng CĐS là biên chế thấp, nhân sự làm công tác cải cách TTHC, kiểm soát TTHC, CĐS còn ít, trang thiết bị chưa bảo đảm yêu cầu thực tiễn, thiếu máy móc thiết bị ở chính quyền cơ sở… Hơn nữa, một số bộ, ngành khi công bố TTHC thuộc ngành, lĩnh vực quản lý thì có tình trạng có quyết định công bố nhưng không có nội dung cụ thể của từng TTHC kèm theo, gây khó khăn cho chính quyền cơ sở. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã hợp nhất với cổng DVC tỉnh, đồng bộ với cổng DVC quốc gia. Tuy nhiên, hệ thống phần mềm “một cửa” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp và một số phân hệ phần mềm khác vẫn phải sử dụng phần mềm chuyên ngành song song với hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, dẫn đến cán bộ công chức phải mất thời gian xử lý hồ sơ trên nhiều phần mềm…
Đối với những khó khăn chung này, UBND tỉnh đã kiến nghị tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ và Cục Kiểm soát TTHC. Bên cạnh đó, tỉnh ban hành kế hoạch với 50 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Về các nhiệm vụ trọng tâm cải cách TTHC, CĐS, xây dựng chính quyền số, có các nhóm nhiệm vụ như: Thống kê TTHC nội bộ các cơ quan hành chính Nhà nước, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa các nhóm TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh trọng tâm ưu tiên trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai, tài chính.
Song song đó, tỉnh rà soát, xây dựng quy chế, quy trình giải quyết TTHC liên thông, các eForm trong lĩnh vực đầu tư và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp giữa các cơ quan Nhà nước và cơ quan Đảng, từ khâu cho chủ trương, thẩm định của các sở, ngành, địa phương để thực hiện liên thông; đồng thời rà soát, tái cấu trúc quy trình TTHC để cắt giảm các thông tin phải khai báo khi thực hiện DVC trực tuyến, bảo đảm mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% thông tin phải khai báo.
Ông Nguyễn Văn Dành cho biết, tỉnh sẽ triển khai danh mục DVC trực tuyến, toàn trình, một phần, dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến và DVC trực tuyến đủ điều kiện không nhận hồ sơ giấy giai đoạn từ 1-10-2023 đạt mục tiêu trên 80% vào cuối năm 2023. Tỉnh sẽ nâng cao tỷ lệ hồ sơ DVC trực tuyến toàn trình/hồ sơ DVC trực tuyến (cấp tỉnh 80%, cấp huyện 60%, cấp xã 60%), bảo đảm 100% TTHC được xây dựng form điện tử (Eform); 100% các văn bản, hồ sơ nội bộ giữa các cơ quan Nhà nước được luân chuyển liên thông, trực tuyến trên hệ thống (trừ văn bản mật).
Tỉnh sẽ hoàn thành số hóa dữ liệu địa chính, đất đai; kết nối, phát triển và chia sẻ dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, tập trung vào các ngành trọng điểm: Tài nguyên và môi trường, kế hoạch và đầu tư, y tế, giáo dục và đào tạo, giao thông - vận tải, xây dựng, đô thị… nhằm tích hợp, sử dụng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong giải quyết TTHC để giảm hồ sơ giấy.
“Trước mắt, tỉnh lựa chọn từ 15 đến 20 nội dung liên quan đến các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động - thương binh và xã hội, đăng ký kinh doanh, đất đai, giao thông vận tải, đô thị… để số hóa dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, phục vụ chỉ đạo, điều hành và xây dựng thành phố thông minh”, ông Nguyễn Văn Dành cho biết thêm.
HỒ VĂN - KHẮC TUẤN