Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của một số tỉnh, thành được tổ chức vào chiều 11-6. Tham dự tại điểm cầu Bình Dương có ông Nguyễn Lộc Hà, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Các DN trên địa bàn tỉnh tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để ngăn chặn nguồn lây. Trong ảnh: Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP I, TP.Thuận An) đã áp dụng hệ thống đo thân nhiệt nhiều tháng nay, vừa tránh tiếp xúc gần, rút ngắn “thủ tục” vào ca của người lao động. Ảnh: QUANG TÁM
Sẽ tiêm vắc xin cho tất cả công nhân trong khu công nghiệp có nguy cơ cao
Phát biểu tại điểm cầu Bình Dương, ông Nguyễn Lộc Hà thông tin, Bình Dương có 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp, hơn 18.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động sản xuất và có gần 1,2 triệu lao động. Hơn nữa Bình Dương lại tiếp giáp với TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Trong đợt dịch bệnh thứ 4 này, Bình Dương đã giám sát, phát hiện 1.164 trường hợp có nguy cơ về từ vùng dịch bệnh và ghi nhận 8 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Hiện tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung cho khoảng 10.000 người, năng lực điều trị tối đa của tỉnh khoảng 600 bệnh nhân cùng lúc.
Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh đã thẩm định năng lực xét nghiệm đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh được phép xét nghiệm khẳng định. Tổng số máy xét nghiệm PCR của tỉnh hiện có là 6 máy. Thời gian tới, Bình Dương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt phòng, chống dịch bệnh tại các công ty, DN bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh và vừa phát triển kinh tế. Thực hiện tốt 6 nguyên tắc vàng trong phòng, chống dịch bệnh, phân công và phối hợp “Công an - truy vết, quân đội - cách ly, chính quyền - chỉ huy, y tế - thực hiện”; đồng thời nhấn mạnh sách lược “lấy người dân và DN làm trung tâm” trong phòng, chống dịch bệnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, đợt dịch bệnh lần thứ 4 này đã trải qua hơn 1 tháng nhưng đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, đợt dịch bệnh này hoàn toàn khác với những đợt dịch bệnh lần trước bởi dịch bệnh đã vào khu công nghiệp, xâm lấn tới các DN, khu nhà trọ. Do vậy, mục tiêu đặt ra là không được để dịch xâm lấn, nếu có thì không phát hiện chậm quá 3 ngày. Muốn vậy DN phải thực hiện nghiêm khai báo y tế, thường xuyên cập nhật tình hình sức khỏe công nhân, cập nhật bản đồ an toàn Covid-19 trong DN.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, nếu có dịch bệnh trong khu công nghiệp, các địa phương cần tính toán biến khu trọ của công nhân thành khu cách ly và phải giãn cách, cách ly công nhân tại chỗ. Trong cách ly khoanh vùng, các địa phương phải khoanh gọn, tuy nhiên trong tình thế cấp bách thì khoanh vùng cách ly rộng, sau đó thu hẹp dần. Cập nhật bản đồ an toàn Covid-19 cần cập nhật đến F2, F3, có phương thức tổ chức lại sản xuất. Trong một khu công nghiệp, DN cần phân khu, phân ca, để khi xuất hiện ca dương tính thì chỉ cần khoanh một khu vực hoặc dây chuyền sản xuất. Về vắc xin Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Chính phủ nỗ lực đến tháng 8 sẽ tiêm vắc xin cho tất cả công nhân trong khu công nghiệp có nguy cơ cao nhằm bảo đảm sự phát triển ổn định của nền kinh tế.
Sẵn sàng ngăn chặn mọi nguồn lây
Cũng trong chiều 11-6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh tổ chức họp trực tuyến với 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tại cuộc họp, tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết, đến thời điểm này, về cơ bản, các ổ dịch đã được khống chế. Tuy nhiên, ổ dịch ở Công ty Phúc Đạt đã lây sang chu kỳ thứ 2, thời gian tới có thể xuất hiện ca mắc mới trong cộng đồng. Do đó ngành y tế kiến nghị Ban Chỉ đạo tỉnh cần hỗ trợ ngành truy vết các đối tượng nguy cơ; bảo đảm hơn nữa an ninh trật tự tại các khu cách ly tập trung; kiểm soát chặt chẽ người ra vào tỉnh từ TP.Hồ Chí Minh; yêu cầu các công ty lập danh sách công nhân, chuyên gia, người quản lý làm việc hàng ngày tại Bình Dương nhưng có địa chỉ lưu trú tại TP.Hồ Chí Minh để theo dõi, quản lý.
Đối với công ty, DN có nhu cầu tiêm vắc xin phòng Covid-19, Sở Y tế đề xuất 2 phương án: Công ty cam kết chi trả kinh phí mua và tiêm vắc xin, lập danh sách gửi về sở. Sau khi Bộ Y tế mua được vắc xin và phân bổ cho Bình Dương thì sẽ triển khai tiêm cho công nhân của công ty (trong trường hợp các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 đã được tiêm đầy đủ). Phương án 2 là các công ty tiếp cận, mua được vắc xin phòng Covid-19 thì ngành y tế sẽ hỗ trợ khâu bảo quản, tiêm cho công nhân của công ty.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Lộc Hà, khẳng định trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các đơn vị, địa phương cần tăng cường giám sát người về từ vùng dịch bệnh trên tinh thần không ngăn sông cấm chợ, giao thông thông suốt nhưng bảo đảm dịch bệnh không xâm nhập vào cộng đồng. Các địa phương cần khoanh vùng trên đánh giá nguy cơ dịch tễ. Ngành y tế cần rà soát trang thiết bị y tế, nâng cao năng lực xét nghiệm, năng lực điều trị cách ly, nghiên cứu sắp xếp kế hoạch tiêm vắc xin an toàn, phòng chống dịch bệnh.
Các sở, ngành trên địa bàn tỉnh cần tính toán xây dựng mẫu phương án phòng, chống dịch bệnh trong DN. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cần tính toán sớm ra mắt Quỹ phòng, chống Covid-19 của tỉnh. Các địa phương, các ngành trong tỉnh cần xác định bất cứ lúc nào dịch bệnh Covid-19 cũng có thể xâm nhập, bất ngờ, không báo trước, không rõ nguồn lây nên luôn ở tư thế sẵn sàng ngăn chặn nguồn lây, bảo vệ an toàn các khu công nghiệp...
Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến ngày 11-6, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận gần 44 tỷ đồng từ các DN, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh chung tay đóng góp. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã trân trọng ghi nhận sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN, cá nhân và mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. |
KIM HÀ