Rau Tân Uyên vào siêu thị

Cập nhật: 08-03-2012 | 00:00:00

Nông dân chăm sóc rau tại vùng RAT thị trấn Uyên Hưng, Tân Uyên

Phấn khởi với hiệu quả bước đầu

Vùng sản xuất RAT tại thị trấn Uyên Hưng thuộc dự án “Xây dựng vùng sản xuất RAT tỉnh Bình Dương giai đoạn 2010-2012” có khoảng 5 ha trồng rau. Ngoài dự án, Uyên Hưng còn trồng rau theo hướng an toàn với diện tích khoảng 20 ha. Tại đây có 21 hộ nông dân trong dự án tham gia sản xuất rau theo hướng an toàn với các loại như hành lá, dưa leo, khổ qua và các loại cải xanh, cải ngọt, rau muống, mồng tơi. Các hộ tham gia trong dự án đã thành lập nên tổ sản xuất RAT với mong muốn liên kết chặt chẽ với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Canh tác theo hướng an toàn là sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hầu hết diện tích sản xuất RAT đều cho năng suất ổn định, chi phí trồng trọt được tiết giảm đến mức thấp nhất và điều quan trọng là các mẫu sản phẩm của các mùa vụ vừa qua khi đem đi kiểm tra đều đạt các tiêu chuẩn về RAT. Từ tháng 5-2011, các sản phẩm rau tại đây đã bước vào siêu thị. Vậy là qua nhiều công đoạn chuẩn bị đối với người trồng rau, cuối cùng người trồng rau tại đây đã đạt được. Qua 3 vụ sản xuất RAT đầu tiên cho thấy, vụ đông xuân rau cho năng suất cao nhất và vụ mùa cho năng suất thấp nhất. Trong đó hành lá có năng suất trung bình 12,5 tấn/ha; dưa leo 20 tấn/ha; khổ qua 18 tấn/ha. Tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường, điều kiện thời tiết mà giá các loại rau có thể dao động từ 4.000 - 11.000 đồng/kg đối với dưa leo, khổ qua và từ 6.000 - 16.000 đồng/kg đối với hành lá.

Mức giá trên là đối với thị trường tự do, còn khi đưa được hàng vào siêu thị thì giá bán trung bình đạt mức cao hơn từ 20 - 30%. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết lúc xuống giống, sự đầu tư chăm sóc của từng hộ mà lợi nhuận thu được có khác nhau giữa các hộ trồng rau. Lợi nhuận thu được dao động từ 500.000 - 6,3 triệu đồng/1.000m2, trung

bình đạt khoảng 3,5 triệu đồng/1.000m2. Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó trạm Bảo vệ thực vật huyện Tân Uyên, cho biết RAT của Uyên Hưng vào siêu thị đã tạo ra những hiệu ứng tốt cho người trồng rau tại đây. Những hộ dân tham gia trong dự án hiện nay đã trở thành những mô hình mẫu cho những hộ ngoài dự án làm theo. Chính vì vậy, diện tích trồng RAT tại Uyên Hưng ngày càng được nâng lên. Điều này góp phần rất tích cực trong việc tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng như thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của bà con nông dân và cung ứng sản phẩm rau có chất lượng cho thị trường.

Cần hỗ trợ để dự án đi đúng hướng

Qua các mẫu kiểm tra cho thấy sản phẩm rau được sản xuất từ các mô hình tại đây đều đạt chất lượng về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, mỗi ngày siêu thị Co.opMart Bình Dương tiêu thụ khoảng 80 - 100kg RAT các loại của Tổ RAT Uyên Hưng. Từ khi hình thành đến nay, Tổ RAT Uyên Hưng đã cung cấp cho siêu thị Co.opMart Bình Dương trên 10 tấn RAT các loại. Sản phẩm rau Tân Uyên sản xuất theo hướng an toàn được đưa vào siêu thị cho thấy nông dân từng bước tiếp thu được những kiến thức trồng RAT, cách sản xuất rau có tổ chức theo hướng hiện đại. Sản xuất RAT giảm được chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho người trồng rau.

Ông Nguyễn Hữu Hiền, Tổ trưởng Tổ sản xuất RAT thị trấn Uyên Hưng, cho biết: “Tham gia vào các mô hình sản xuất RAT chúng tôi được hỗ trợ về giống, vật tư và được trang bị kiến thức về quy trình sản xuất RAT cũng như biết cách sản xuất như thế nào cho hiệu quả mà không gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng. Sau khi đưa rau vào siêu thị chúng tôi đã có thể cân đối được cách thức đầu tư sản xuất sao cho hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay các mô hình sản xuất RAT tại Uyên Hưng cũng đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Đất sản xuất rau được trồng thường xuyên quanh năm trên một đơn vị diện tích, thời gian phơi ải, xử lý đất giữa các vụ ngắn và không luân canh với cây trồng khác họ, làm cho các loại dịch hại luôn tồn tại trong đất, tàn dư thực vật gây hại cây trồng với áp lực cao. Tuy đã tham gia vào mô hình RAT trong thời gian khá lâu, nhưng hiện nay nhiều nông dân vẫn chưa thực sự thuần thục với cách thức sản xuất kiểu mới này. Phần lớn nông dân tham gia mô hình đã lớn tuổi, trình độ không đồng đều nên gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức và thực hiện việc ghi chép nhật ký đồng ruộng, trong khi đó sản xuất RAT đòi hỏi nông dân phải nhanh nhạy trong việc tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật...”.

Mặc dù rau Tân Uyên đã vào được siêu thị, nhưng số lượng và chủng loại còn rất hạn chế, vì vậy thu nhập của người trồng rau chưa thật ổn định. Nhiều hộ trồng rau tại đây đã tìm cách bán thẳng sản phẩm ra thị trường với giá bán cho siêu thị. Và, đây cũng chính là bài toán khó để hướng nông dân thực hiện đúng bài bản dự án RAT như mục đích ban đầu đã đặt ra.

ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=295
Quay lên trên