Sẻ chia mùa lễ hội

Cập nhật: 28-02-2018 | 10:11:06

Dịp lễ hội Rằm tháng giêng, các chùa, miếu trong tỉnh có đông du khách thập phương hành hương. Chính vì vậy, giúp cho người nghèo, người khuyết tật kiếm thêm thu nhập, Ban trị sự, Ban tổ chức lễ hội các chùa, miếu đã tạo điều kiện cho họ bán nhang đèn, quà lưu niệm, vé số trước khuôn viên chùa, miếu. Không những vậy, các chùa, miếu còn dùng tiền cúng dường để chăm lo cho những đối tượng bất hạnh.


Người khuyết tật được bố trí điểm bán vé số ngay công viên Nguyễn Du trước chùa Bà Thiên Hậu

Giúp người nghèo, khuyết tật

Đến hẹn lại lên, từ ngày 30 tháng chạp đến hết tháng giêng, chị Nguyễn Thị Nữ lại đến chùa Núi Châu Thới (TX.Dĩ An) bán nước uống cho khách thập phương viếng chùa. Chị cho biết quê ở Sóc Trăng lên Bình Dương sống được 3 năm, công việc không ổn định nên cuộc sống của chị rất khó khăn. Một lần lên chùa dâng hương, thấy khách đông mà lại ít người bán đồ ăn, nước uống nên chị mạnh dạn xin thầy trụ trì bán nước ngay đường xuống chùa và được đồng ý. Từ đó cứ đến tết chị lại đến đây bán nước. Sau chị, nhiều chị em khác cũng đến đây xin buôn bán. Hầu hết những người buôn bán tại đây đều có cuộc sống khó khăn, bỏ ăn tết cùng gia đình để mong có thêm chút tiền trang trải cuộc sống.

Theo ghi nhận của người viết, không chỉ có chùa Núi Châu Thới mà chùa Thái Sơn - Núi Cậu cũng tạo điều kiện cho những người khó khăn đến mua bán trong dịp lễ hội Rằm tháng giêng. Cũng nhờ được tạo điều kiện, không tốn tiền mặt bằng nên những người bán hàng ở khu vực các chùa đều niêm yết giá bán, không chèo kéo, đem lại sự hài lòng cho du khách.

Đối với chùa Bà Thiên Hậu (phường Phú Cường) để người khuyết tật có thêm thu nhập nhiều năm nay, Ban tổ chức lễ hội Rằm tháng giêng TP.Thủ Dầu Một, Ban trị sự chùa Bà đã bố trí điểm bán vé số trước chùa Bà, hoặc trước công viên Nguyễn Du để họ có nơi bán không lang thang trước cổng chùa gây mất đi nét văn minh mùa lễ hội. Ông Lê Văn Nở, người mù bán vé số trước chùa Bà hớn hở nói: “Nhờ được bố trí chỗ bán vé số chúng tôi không phải đi lại, lang thang bán dọc đường, trước chùa. Lễ hội Rằm tháng giêng đông du khách viếng chùa nên chúng tôi bán cũng được nhiều, nhờ vậy có thêm tiền lo ăn uống, cho con đi học. Tôi xin cảm ơn sự quan tâm của chính quyền dành cho những người khuyết tật”.

Làm từ thiện

Mỗi mùa lễ hội Rằm tháng giêng, hết chuyến này đến chuyến khác, Ban trị sự chùa Bà Thiên Hậu lại tổ chức từng đoàn đến thăm, tặng quà cho các trung tâm bảo trợ xã hội, người nghèo, người khuyết tật trong tỉnh từ thực phẩm, tiền của mọi người cúng dường. Ông Trần Vĩnh An, Phó Ban thường trực lễ hội chùa Bà cho biết, thông lệ sau ngày 15 tháng giêng khi công tác rước cộ Bà kết thúc, Ban trị sự chùa Bà sẽ lên lịch, phân công đoàn đi thăm, tặng quà cho các đối tượng khó khăn. Mỗi năm số tiền làm từ thiện khoảng 2 tỷ đồng. Riêng năm 2017, chùa Bà trích hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ cho người nghèo, người khuyết tật, trao tặng nhà tình thương, chăm lo cho đối tượng chính sách khó khăn trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, chùa còn tích cực đóng góp các nguồn quỹ như: Quỹ nạn nhân chất độc da cam, Quỹ vì người nghèo… để đối tượng khó khăn có thêm điều kiện sống tốt hơn. Đó cũng là tâm niệm của chúng tôi sử dụng tiền của bá tánh trả về cho bá tánh.

Cũng như chùa Bà, các ngôi chùa khác trong tỉnh thuộc Giáo hội Phật giáo tỉnh cũng tích cực làm công tác từ thiện trước, trong và sau lễ hội Rằm tháng giêng. Hầu hết các chùa đều có những bữa cơm từ thiện phục vụ du khách thập phương, người khó khăn. Ngoài ra, từng nhóm từ thiện của các chùa cũng phát tâm làm từ thiện trong dịp lễ bằng cách chung sức tặng quà cho người nghèo, trao học bổng, hỗ trợ người khuyết tật… Bà Phạm Thị Yến, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết, mỗi năm dịp lễ hội Rằm tháng giêng nhiều đơn vị đến trao tặng các phần quà ý nghĩa cho trung tâm, trong đó nhiều nhóm từ thiện của các chùa, miếu, nhất là chùa Bà Thiên Hậu. Có được sự hỗ trợ đó, các đối tượng trung tâm đang nuôi dưỡng có thêm điều kiện sống tốt hơn.

Còn đối với những người làm từ thiện ở các chùa, khi mang lại hạnh phúc cho người khác bản thân họ cũng hạnh phúc gấp nhiều lần. Chính vì vậy ngoài dùng tiền của bá tánh cúng dường làm từ thiện, thì họ còn vận động thêm để chăm lo cho đối tượng bất hạnh. Những phần quà nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn giúp người khó vượt qua khó khăn có động lực để vươn lên ổn định cuộc sống. Việc làm thiện nguyện từ các chùa, miếu cũng thể hiện sự “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” để con người luôn yêu thương dành cho nhau những gì tốt đẹp nhất. Và không chỉ lễ hội Rằm tháng giêng mà suốt các tháng khác những tấm lòng thiện nguyện đó lại tiếp tục cuộc hành trình từ thiện giúp đỡ người khó trong, ngoài tỉnh.

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=593
Quay lên trên