Bác sỹ điều chỉnh chỉ số hệ thống lọc máu cho bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: Thanh Vân -TTXVN)
Bộ Y tế cho biết số ca mắc COVID-19 trong ngày 24/2 ở nước ta tiếp tục tăng cao với 69.119 ca mắc mới tại 62 tỉnh, thành phố; tăng 8.781 ca so với ngày trước đó; trong đó có tới 48.179 ca trong cộng đồng.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng số 3.041.506 ca mắc COVID-19; đứng thứ 30/225 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 30.791 ca mắc).
Như vậy, đã liên tiếp 7 ngày qua (từ ngày 18/2 đến ngày 24/2), số ca mắc mới COVID-19 tại Việt Nam đã vượt mốc 40.000 F0/ ngày và theo đà tăng mạnh. Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua 51.968 ca/ngày.
Tuy số mắc tăng cao nhưng qua thống kê cho thấy số ca tử vong trung bình vẫn giữ ở ngưỡng dưới 100 trường hợp.
Thống kê cho thấy, số ca tử vong trung bình ghi nhận trong 7 ngày qua ở nước ta là 87 ca/ngày. Tính đến nay, nước ta đã có 39.884 ca tử vong, chiếm tỷ lệ 1,3% so với tổng số ca mắc.
Theo thông báo của Bộ Y tế ngày 24/2 có đến 25 tỉnh thành ghi nhận từ 1.000 đến hơn 8.800 ca mắc COVID-19 mới, phần lớn số này ở khu vực miền Bắc.
Ngày 24/2, Hà Nội vẫn liên tiếp dẫn đầu cả nước về tổng số ca mắc trong ngày với 8.864 ca mắc, tăng hơn 1.000 ca so với ngày 23/2. Tiếp theo là Bắc Giang cũng tăng hơn 1.000 ca so với ngày hôm qua; Hải Dương ghi nhận xấp xỉ 3.000 ca - tương đương ngày 23/2...
Theo Bộ Y tế, đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến khó lường tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, với tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao trên toàn quốc, đến nay dịch cơ bản đang được kiểm soát, tuy nhiên trong thời gian gần đây số trường hợp mắc, kể cả số trường hợp tăng nặng và nguy kịch đang có xu hướng gia tăng.
Dự báo trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại và mùa lễ hội năm 2022, có thể tiếp tục ghi nhận chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số ca nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến nhóm đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền).
Trước diễn biến ca bệnh gia tăng, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh/thành phố, Y tế các Bộ, ngành thực hiện và chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục hiện công tác quản lý, thu dung, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 theo phương án 4 tại chỗ, hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh COVID-19.
Các cơ sở y tế căn cứ theo tình hình dịch bệnh khẩn trương thiết lập và tổ chức triển khai cơ sở điều trị COVID-19 của tỉnh bảo đảm theo quy định; bảo đảm cung ứng đủ thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang bị phòng hộ... đặc biệt là oxy y tế tại các cơ sở điều trị COVID-19; phân loại mức độ bệnh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 để phân tuyến điều trị phù hợp tình trạng bệnh, theo dõi chặt chẽ diễn biến của từng ca bệnh, tổ chức Hội chẩn liên khoa, liên viện, hội chẩn trực tuyến với tuyến trên (khi cần) để lên kế hoạch điều trị tốt nhất cho người bệnh hoặc trước khi chuyển viện.
Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ điều trị COVID-19, dự phòng cơ số thuốc kháng virus, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19, vật tư y tế cần thiết…tại các trạm y tế phường, xã, trạm y tế lưu động nhằm đáp ứng nhu cầu tự điều trị COVID-19 tại nhà của người dân và giảm tải cho các cơ sở y tế, bệnh viện tuyến trên.
Các cơ sở y tế cần nâng cao năng lực thu dung, điều trị; giảm tối đa các trường hợp tử vong; chủ động, sẵn sàng biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến dịch nhằm phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tăng cường theo dõi, giám sát sức khỏe người nhiễm virus để kịp thời liên hệ với cơ sở y tế ngay khi có nhu cầu. Các cơ sở y tế phân bổ đủ thuốc kháng virus để phục vụ công tác điều trị người bệnh COVID-19.
Người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi
Liên quan đến thuốc kháng virus, Bộ Y tế đã ban hành danh mục 3 loại thuốc chứa Molnupiravir sản xuất trong nước, được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Đó là Molravir 400, hàm lượng Molnupiravir 400 mg, dạng viên nang cứng, do Công ty Cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất; Movinavir, hàm lượng 200 mg Molnupiravir, dạng viên nang cứng, do Công ty cổ phần hóa dược phẩm Mekophar sản xuất và Molnuporavir Stella 400, hàm lượng 400 mg Molnupiravir, dạng viện nang cứng, do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm - chi nhánh 1 sản xuất.
Thuốc có hoạt chất Molnupiravir sẽ được bán trên 500 nhà thuốc Long Châu trên toàn quốc, được bán cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà và có chỉ định bác sỹ, với mức giá 250.000 đồng/1 liệu trình điều trị.
Để đảm bảo an toàn, hiệu quả, chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sỹ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc. Người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường.
Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sỹ hoặc dược sỹ để được tư vấn và xử trí kịp thời.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng kit test nhanh của người dân ngày càng tăng cao. Do đó, trên thị trường, các loại kit test với nguồn gốc xuất xứ đang được rao bán với nhiều mức giá khác nhau. Thậm chí, gần đây, xuất hiện tình trạng khan hàng, "thổi giá" các loại kit test nhanh khiến khiều phải ngậm ngùi chấp mua giá cao.
Bộ Y tế khuyến cáo, người dân khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh hoặc có tiền sử tiếp xúc người mắc COVID-19, có nhu cầu sử dụng kit test nhanh nên mua và sử dụng các sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành; có giấy phép nhập khẩu theo đúng thông tin về chủng loại, hãng nước sản xuất, có nhãn mác đầy đủ thông tin theo quy định và có tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.
Đồng thời, khi sử dụng, người dân cần nghiên cứu kỹ và thực hiện theo đúng hướng dẫn sử dụng sản phẩm để tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng.
Mặt khác, việc nôn nóng test nhanh luôn khi vừa tiếp xúc mầm bệnh có thể vừa gây lãng phí kit test vừa cho ra kết quả chưa chính xác vì có khả năng cơ thể đang ủ bệnh hoặc tải lượng virus còn thấp, test nhanh không tìm thấy. Sau 2-3 ngày tiếp xúc mầm bệnh, việc test sẽ cho kết quả chính xác hơn.
Tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả tiêm vaccine
Trước tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, khó dự báo, trong công điện 170/CĐ-TTg do Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ngày 23/2/2022 đã nêu rõ: Từ kinh nghiệm trong nước, quốc tế thời gian qua cho thấy, các địa phương cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm, quyết liệt, hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vaccine, tiếp cận nhanh các biện pháp điều trị, thuốc điều trị, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành nghiêm túc, có hiệu quả các quy định phòng, chống dịch của người dân; kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng trong phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các bộ, ngành, lãnh đạo đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tổ chức tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trong quý 1/2022; tiêm mũi thứ 2 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, hoàn thành trong tháng 2/2022; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vaccine.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc Chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân năm 2022 an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả và thần tốc hơn nữa cho tất cả các đối tượng được tiêm ở tất cả các địa phương; bảo đảm kịp thời, chất lượng, đủ vaccine để thực hiện Chiến dịch theo quy định.
Bên cạnh đó, thúc đẩy khẩn trương thực hiện hợp đồng mua vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo Nghị quyết của Chính phủ và các quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục chủ động cập nhật, tiếp cận sớm với thông tin và các loại vaccine, thuốc, công nghệ, sinh phẩm xét nghiệm... mới trên thế giới để phục vụ kịp thời, hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19, phù hợp với diễn biến mới của tình hình.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra về giá, chất lượng đối với các loại vaccine, thuốc, sinh phẩm xét nghiệm...; kịp thời phát hiện các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường, xử lý nghiêm theo pháp luật các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình, chính sách để trục lợi, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch của địa phương (đến địa bàn cấp xã) nhằm đưa học sinh trở lại trường để tổ chức dạy, học trực tiếp; chủ động các biện pháp xử lý khi có trường hợp F0, F1 trong trường học một cách phù hợp, tránh xử lý cực đoan; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, tạo sự yên tâm, đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường an toàn./.
Theo TTXVN