Không chỉ mang giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, cổ vật còn có giá trị về mỹ thuật, kỹ thuật, khoa học, lưu giữ hồn thiêng sông núi, giá trị tộc người và các giá trị phi vật thể khác. Ít ai biết rằng, để được trưng bày, bảo quản và giới thiệu đến công chúng, các cổ vật trải qua hành trình không đơn giản.
Tìm kiếm vòng vèo
Đến thưởng lãm cổ vật các nước Đông Nam Á tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TPHCM, bên cạnh các cổ vật nhiều giá trị từ các nước bạn trong khu vực, không ít du khách thích thú khi có dịp thưởng ngoạn nhiều cổ vật quý hiếm.
Có thể kể đến chiếc mão bằng vàng của người Champa, khoảng thế kỷ VII-VIII. Hành trình của chiếc mão này khá thú vị. Khoảng năm 2007, có người muốn bán chiếc mão quý này (thời điểm đó giá khoảng 600 - 700 triệu đồng) cho một nhà sưu tập tư nhân tại TPHCM nhưng người này không đủ tiền nên giới thiệu cho Bảo tàng Lịch sử VN - TPHCM. Vì nhiều lý do, bảo tàng đã không mua được. Chiếc mão Champa về tay một nhà sưu tập tư nhân khác.
“Để phục vụ nhu cầu thưởng lãm của công chúng, bảo tàng đã mượn lại chiếc mão này để trưng bày”, ông Phạm Hữu Công, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN - TPHCM cho biết.
Gốm Cây Mai - thành tựu đặc sắc của công nghệ gốm ở Sài Gòn và Nam bộ cuối thế kỷ XIX.Tương tự, trong chuyến đi thực tế khảo sát thực tế một ngôi miếu cổ ở quận 6, cán bộ bảo tàng TPHCM phát hiện nơi đây có bộ tiểu tượng của lò gốm Đồng Hòa ở Chợ Lớn, rất nổi tiếng trong khu vực gốm Cây Mai - một thành tựu đặc sắc của công nghệ gốm ở Sài Gòn và Nam bộ cuối thế kỷ XIX, rất có giá trị về lịch sử và nghiên cứu. Qua tay vài người, bộ tượng này đã thuộc sở hữu của một nhà sưu tập tư nhân.
“Lần đó, sau khi lập hồ sơ khoa học và làm đầy đủ thủ tục trình xét duyệt lên Sở VH-TT-DL và UBND TPHCM, cuối cùng bảo tàng đã mua lại được bộ tiểu tượng này gần như nguyên vẹn sau nhiều ngày tìm kiếm, dò hỏi”, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bảo tàng TPHCM kể.
May mắn hơn là lần sưu tập trọn bộ vài chục khẩu súng từ thời chúa Nguyễn. Lần đó, một số người dân Bình Thuận đã đến tận Bảo tàng Lịch sử VN - TPHCM để bán những khẩu súng cổ. Qua khảo sát và giám định, bảo tàng quyết định mua toàn bộ số súng này.
Vuột cổ vật vì vướng thủ tục
“Mỗi năm, TPHCM dành khoản kinh phí 10 tỷ đồng để các bảo tàng mua cổ vật, số tiền này không nhỏ nhưng so với nhu cầu thực tế của 7 bảo tàng tại TPHCM thì còn khiêm tốn”, bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc sở VH-TT-DL TPHCM nhìn nhận.
Đó là chưa kể, để mua được cổ vật phải qua nhiều khâu, từ lập hồ sơ khoa học, thẩm định của hội đồng khoa học bảo tàng, trình Sở VH-TT-DL và hội đồng khoa học của sở thẩm định chất lượng lần nữa, tham khảo giá, sau đó chuyển hồ sơ sang Sở Tài chính để cân đối ngân sách, cuối cùng là trình UBND TP xem xét phê duyệt. Mua được cổ vật, thường phải mất từ 6 tháng đến 9 tháng, thậm chí hơn cả năm.
“Vì thủ tục phức tạp và mất thời gian như thế nên hầu như phần nhiều cổ vật khi phát hiện đều về tay tư nhân cả. Người ta đâu có ngồi đó chờ mình thẩm định”, một lãnh đạo bảo tàng cho biết.
Cổ vật, bản thân nó đã lưu giữ những giá trị to lớn, là chứng tích của lịch sử, mang lại nhiều lợi ích từ tinh thần đến kinh tế cho người sở hữu. Vì thế nào là mặt hàng đặc biệt, bởi khi đã hư hỏng hoặc mất mát thì không thể tái tạo nên nó luôn có giá trị kinh tế không lường.
Từ lợi ích bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, thiết nghĩ hoạt động sưu tầm, mua bán đồ cổ cũng phải được quản lý chặt chẽ, bằng hình thức cấp phép hành nghề chẳng hạn. Nhưng cho đến nay nhà nước chưa thực hiện công việc này trong khi từ lâu trên cả nước tồn tại một thị trường buôn bán cổ vật rất sôi động và thị trường này hầu như chưa chịu sự kiểm soát của bất kỳ cơ quan quản lý nào, tuy đã có Nghị định 98/NĐ-CP về việc quản lý hoạt động mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Theo SGGP