Mảnh đất và con người Bình Dương từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ. Gần gũi, thân quen những ca khúc viết về quê hương đã nhẹ nhàng tìm đến với người yêu âm nhạc. Nhưng làm sao cho những tác phẩm ấy “neo đậu” được trái tim người nghe không phải là chuyện dễ.
Một tiết mục biểu diễn của Đoàn ca múa nhạc dân tộc Bình Dương. Ảnh: H.THỦY
Đa dạng các sáng tác
Bình Dương là mảnh đất giành được nhiều ưu ái của giới nhạc sĩ. Nhiều ca khúc chỉ cần vang lên giai điệu dạo đầu đã khiến người ta nhớ ngay tới mảnh đất hữu tình với nhiều cung bậc cảm xúc. Dù những tác phẩm ra đời đã lâu, đến nay vẫn được nhiều người biết đến như “Bình Dương một khúc tình quê”, “Người đẹp Bình Dương”, “Bình Dương quê tôi”,“Anh sẽ về thăm lại quê em” của Võ Đông Điền; “Mỗi bước ta đi” của Thuận Yến... Những tác phẩm ấy đã phản ánh vẻ đẹp hữu tình của quê hương Bình Dương, tinh thần hăng say lao động sản xuất và chiến đấu kiên cường trong thời kỳ bom đạn.
Thời kỳ đổi mới, hình ảnh quê hương thay da đổi thịt trở thành đề tài chủ đạo của nhiều ca khúc ra đời sau này như “Ơi sông nước Bình Dương” của Phan Hữu Lý, “Bình Dương hương sắc dịu dàng”, “Bình Dương mùa trái chín”, “Dầu Tiếng - bản tình ca màu xanh” của Võ Đông Điền, “Hát về Bình Dương” của Mai Quảng, “Nhớ Tân Uyên” của Nguyễn Phượng, “Bình Dương khúc hát mùa xuân” của Vĩnh Long và “Bình Dương thành phố xanh” của Minh Tri...
Không chỉ đa dạng về nội dung sáng tác, các tác phẩm “cây nhà lá vườn” còn phong phú về hình thức thể hiện. Nhiều sự cách tân, đổi mới trong cách viết, cách hòa âm, phối khí đã mang lại nét tươi mới cho nền âm nhạc quê hương.
Đội ngũ sáng tác dồi dào
Phân hội Âm nhạc thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Dương hiện có 22 hội viên, trong đó có 4 hội viên Hội Âm nhạc Việt Nam. Nếu so với các tỉnh khác, đội ngũ sáng tác của Bình Dương không phải nhiều nhưng khả năng sáng tác rất dồi dào. Những năm trở lại đây, hàng trăm tác phẩm có chất lượng được phát hành trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều tác phẩm đoạt giải cao trong những hội thi và hội diễn lớn. Mới đây nhất bài hát “Tiếng sáo đêm trăng và nỗi nhớ” của nhạc sĩ Võ Đông Điền đã đoạt giải A Liên hoan Âm nhạc Tây nguyên và khu vực phía Nam 2014 do Hội Âm nhạc Việt Nam tổ chức. Đây chính là nguồn khích lệ quý giá cho đội ngũ sáng tác tỉnh nhà trong thời điểm nền âm nhạc vẫn còn lắm “gập ghềnh”.
Phân hội Âm nhạc Bình Dương đã bám sát những bước chuyển mình của quê hương, một bài hát không đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật mà giờ đây nó thực sự trở thành vũ khí trên mặt trận chính trị, tư tưởng và giáo dục. Dĩ nhiên, yếu tố nghệ thuật vẫn luôn được đề cao. Hội thường xuyên tổ chức những chuyến đi thực tế sáng tác tại các địa phương, từ đó nâng cao năng lực sáng tác, đẩy mạnh chất lượng tác phẩm. Trong nền âm nhạc “mì ăn liền” với những ca khúc chạy theo thị hiếu như hiện nay, đội ngũ sáng tác của tỉnh đứng ngoài lề những cuộc chạy đua ấy, vẫn luôn luôn bám chặt vào đời sống, con người quê hương. Đó quả thật là điều đáng trân trọng.
Dẫu đứng ngoài lề những cuộc chạy đua, nhưng những nhạc sĩ của Phân hội Âm nhạc tỉnh vẫn không khỏi trăn trở. Trước thị hiếu âm nhạc của giới trẻ hiện nay, không thể không lo lắng về một nền âm nhạc “tạp nham” mà dĩ nhiên khán giả trẻ của tỉnh vẫn ít nhiều bị ảnh hưởng. Nhiều ca khúc nhạc quê hương trữ tình dường như bị các bạn trẻ lãng quên. Thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ có thể thuộc hàng chục bài hát nhạc thị trường nhưng để hát trọn vẹn một bài hát về xứ sở Bình Dương thì rất hiếm hoi. Đáng buồn, nhiều ca khúc “địa phương ca” ra đời chỉ sống được một thời gian rồi bị “chết yểu”. “Nhiều tác phẩm hay nhưng không được nhiều người biết đến. Một phần lớn là do chúng ta còn thiếu kênh để thông tin, quảng bá rộng rãi. Cũng giống như những tác phẩm nghệ thuật khác, sản phẩm âm nhạc nếu không sống được trong lòng công chúng thì mãi mãi nó cũng chỉ là một tờ giấy”.
HỒNG THỦY