Tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải: Góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Cập nhật: 30-12-2015 | 08:36:45

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, ngoài các tuyến quốc lộ huyết mạch đi qua (tuyến quốc lộ 13, quốc lộ 1A và quốc lộ 1K), tỉnh còn có 10 tuyến tỉnh lộ, 381 tuyến đường huyện và 964 tuyến đường chuyên dùng với tổng chiều dài 5.240,82km. Trên các tuyến đã lắp đặt 134 chốt đèn tín hiệu giao thông, 20 vòng xoay, 133 cầu. Lưu lượng phương tiện giao thông qua các tuyến quốc lộ trên là rất lớn và ngày càng gia tăng, đặc biệt là các loại ô tô vận tải nặng, xe container… đã gây áp lực cho công tác quản lý, kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải (KDVT) và bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của tỉnh.

Tăng cường kiểm tra tải trọng xe góp phần giúp công tác bảo đảm ATGT phát huy hiệu quả

Siết chặt kinh doanh vận tải

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 132 đơn vị KDVT được cấp giấy phép hoạt động với 2.986 phương tiện kinh doanh, trong đó có 5 loại hình đăng ký kinh doanh gồm: 7 đơn vị vận tải (ĐVVT) khách tuyến cố định với 417 phương tiện đăng ký hoạt động; 23 ĐVVT khách hợp đồng với 767 phương tiện; 6 đơn vị hoạt động vận tải buýt (5 doanh nghiệp và 1 công ty liên doanh) với 224 phương tiện (trong đó doanh nghiệp tỉnh Bình Dương có 34 xe); 8 ĐVVT khách bằng taxi với 867 phương tiện; 90 ĐVVT xe container với 711 phương tiện và 8 bến xe (trong đó có 3 bến xe được công bố theo Thông tư 49/2012/TT-BGTVT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách).

Trong những năm qua, nhằm tăng cường công tác kiểm tra hoạt động của các đơn vị KDVT, góp phần thiết thực vào việc bảo đảm TTATGT, Sở Giao thông & Vận tải luôn chú trọng và quyết liệt chỉ đạo xuyên suốt các phòng chuyên môn, thanh tra giao thông vận tải xây dựng kế hoạch kiểm tra các đơn vị KDVT, bến xe theo quy định; đồng thời tăng cường công tác quản lý và xử lý vi phạm hoạt động KDVT trên thiết bị giám sát hành trình. Qua đó, đã kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở và xử lý các yếu kém tồn tại của các đơn vị KDVT, giúp cho hoạt động vận tải tại địa phương ngày càng đi vào nề nếp, bảo đảm duy trì điều kiện về KDVT theo quy định.

Ngành cũng kiểm tra và đề xuất xử lý vi phạm các tuyến cố định tham gia vận chuyển hành khách tại các bến xe theo quy định (thực hiện 70% số chuyến trong tháng); kiểm tra các bến xe khách trên địa bàn tỉnh để thực hiện công bố theo quy chuẩn và kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá cước vận tải tại các đơn vị KDVT trên địa bàn tỉnh... Ngoài ra, cơ quan chức năng còn tổ chức cho 144 doanh nghiệp đầu mối hàng hóa, kho bãi và doanh nghiệp vận tải ký cam kết không chở vượt tải trọng cho phép khi tham gia giao thông; xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm về xếp hàng, chở quá tải trọng cho phép trong và ngoài khu vực hầm mỏ, bến, cảng lên xuống hàng hóa trên địa bàn tỉnh...

Hạn chế cần khắc phục

Có thể nói, công tác quản lý hoạt động vận tải tại các doanh nghiệp trong thời gian qua đã được chú trọng, quan tâm, các điều kiện KDVT được duy trì, bảo đảm theo quy định. Do đó, hoạt động vận tải tại địa phương ngày càng đi vào nề nếp, theo đúng quy định, góp phần tích cực vào việc bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo Sở Giao thông & Vận tải tỉnh, đến nay trình độ quản lý vận tải của một số đơn vị kinh doanh còn hạn chế, chưa thực hiện chức năng quản lý vận tải ở đơn vị mà chỉ thực hiện chức năng dịch vụ, thủ tục vận tải. Việc quản lý khai thác trên tuyến cố định chưa được các hợp tác xã quan tâm, đơn vị KDVT không thực hiện chức năng KDVT theo quy định mà phần lớn là giao khoán cho xã viên thực hiện.

Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ các chính sách ưu đãi vốn đầu tư phương tiện cho loại hình kinh tế tập thể phát triển chưa nhiều, nguyên nhân là do phần lớn các đơn vị hợp tác xã có quy mô nhỏ, lẻ và chưa chủ động tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư phương tiện.

Mặt khác, công tác tổ chức và quản lý trên lĩnh vực đường thủy chưa phát huy thế mạnh sẵn có, chưa khuyến khích các đơn vị kinh doanh tham gia vận tải đường thủy (nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ); chưa xây dựng được cơ chế, chính sách để phát triển mạnh loại hình này, nguyên nhân là do lợi nhuận trong KDVT thủy chưa cao, thiếu hệ thống hạ tầng phục vụ và chưa quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh...

 

 BÌNH MINH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=440
Quay lên trên