Tây nguyên tập trung chống hạn

Cập nhật: 16-03-2013 | 00:00:00

Tây nguyên, mùa khô đến sớm. Thấy những vườn cà phê kém xanh, nhà vườn lo phát sốt vì chuyện tưới nước. Giá cà phê lên càng khiến người dân thêm lo vụ sau không biết có còn cà phê mà bán…

Tại vùng trọng điểm cà phê Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk), nhiều người dân đã phải đào giếng ngay giữa hồ thủy lợi để lấy nước tưới cho cây cà phê. Hồ thủy lợi Ea H’ra 1 (ở xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) rộng hơn 7ha từ đầu tháng 2 đến nay trơ đáy, chỉ còn sót lại một vài vũng nước nhỏ. Vì thế, người dân phải đào nhiều giếng sâu 5 - 7m ngay giữa lòng hồ và sau đó bơm dồn lại một giếng để lấy nước tưới. Anh Y Trang H’wing (buôn Triă, xã Ea Tul) đã đào 2 cái giếng giữa hồ Ea H’ra 1 để lấy nước tưới cho khoảng 1ha cà phê. Bốn ngày qua, anh phải túc trực thường xuyên ở hồ để bơm nước nhưng cũng chưa đủ, vì mỗi ngày chỉ bơm khoảng 2 giờ là hết nước. Dưới lòng hồ có 5 giếng đào như thế. Anh Y Khol (ở buôn Yao, xã Ea Tul) than thở: “Thuê người đào giếng sâu gần 5m mới có nước, nhưng cũng chỉ hút tưới được một lúc là cạn”.

  Người dân xã Ea Tul phải đào nhiều giếng giữa hồ thủy lợi Ea H’ra 1, sau đó dồn nước lại một giếng để lấy nước tưới cà phê. Ông Nguyễn Công Văn, Chủ tịch UBND xã Ea Tul cho biết: Toàn xã có 265ha cà phê thiếu nước tưới nghiêm trọng. Để cứu cây cà phê, các hộ dân đều phải đào, khoan giếng ở những vùng trũng thấp hoặc lòng ao, hồ như vậy. Cả huyện Cư M’gar có 63 công trình thủy lợi vừa và nhỏ nhưng đến nay có nhiều hồ, đập đã khô cạn. Nếu tới cuối tháng 3 trời không mưa, diện tích cà phê bị thiếu nước có thể lên tới 5.000ha.

Tại Gia Lai, các vùng Đông - Tây đều trong tình trạng khô hạn. Theo Công ty Khai thác công trình thủy lợi, đến trung tuần tháng 3, mực nước tại một số công trình (chủ yếu đập dâng) do công ty quản lý và khai thác như: Plei Thơ Ga (huyện Chư Pưh), Ia Pết (huyện Chư Sê), Ia Hrung (huyện Ia Grai), Ia Lâu (huyện Chư Prông) xuống rất thấp và hệ thống thủy lợi An Phú (TP Pleiku) đã cạn kiệt nguồn nước. Những cánh đồng lúa của xã Ayun (huyện Mang Yang), Ia Băng (huyện Đăk Đoa), Chư Don (huyện Chư Pưh) đã khô héo; khoảng 8.500ha cà phê, tiêu ở các huyện Ia Grai, Đức Cơ và TP Pleiku đang thiếu nước tưới.

  Người dân xã Mê Linh (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đẩy máy bơm đi tưới cà phê giữa trưa. Huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng có trên 27.000ha cà phê, trên 12.000ha chè thì mới tưới được khoảng một nửa, số còn lại nếu không được tưới sẽ sụt giảm năng suất hoặc mất trắng. Hiện hầu hết các hồ đập đều cạn kiệt, dòng sông Đại Nga bình thường chảy mạnh là thế mà giờ đây chỉ còn như dòng suối; chỉ mấy hồ lớn là còn nước nên nguồn tưới rất xa, có nơi tới vài kilômét. Nhiều nơi bà con hợp sức mua hoặc thuê dây, máy để tưới.

Ông Nguyễn Thế Tiền, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Di Linh (Lâm Đồng) cho biết, huyện này cũng đang dồn sức chống hạn cà phê. Giải pháp cấp bách là cho mở cống xả đáy các hồ thủy lợi lớn còn nước để điều tiết nước về hạ lưu. Những hộ dân nào có đất sình thì khảo sát hỗ trợ đào ao lấy nước tưới cho cả các hộ lân cận, đồng thời vận động người dân hỗ trợ nhau, nhà có giếng khoan hỗ trợ nhà không có.

Tại Đắk Nông, Sở NN-PTNT cũng chỉ đạo giải pháp bơm hút nước từ mực nước chết hồ Đăk Mâm và tháo nước tự chảy từ hồ ở thị trấn vào suối, chặn dòng suối tại vị trí kênh Nam Đà để hút vào kênh cứu 200ha lúa, 150ha cà phê, rau màu. Đầu tháng 3, tỉnh, huyện và Công ty thủy điện Buôn Kuốp (quản lý 3 nhà máy thủy điện Buôn-Tu-Sra, Buôn-Kuốp, Sêrêpôk 3) đã thống nhất điều tiết nước từ nhà máy Buôn-Tu-Sra 98m3/giây, trung bình 14 - 16 giờ/ngày đêm. Ngoài ra còn khuyến cáo nông dân các giải pháp về kỹ thuật canh tác cà phê như ủ gốc, tỉa cành, tiết kiệm nước tưới… Cả Tây Nguyên đang dồn sức chống hạn, cứu cây trồng, nguồn sống chính của người dân vùng đất này.

Vùng cà phê Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) vừa có trận mưa hiếm hoi trên diện rộng, nhưng dường như trận mưa trên dưới 30mm này không thể giúp những rẫy cà phê giải cơn khát đã kéo dài nhiều tháng trời, toàn huyện có hơn 41.000ha cà phê thì mới chỉ tưới được 31.000ha. Trong số diện tích đã tưới, một số tưới 2 - 3 đợt, còn những nơi ở xa ao hồ chỉ tưới được 1 đợt. Hiện hầu hết các hồ thủy lợi nhỏ trên địa bàn đều cạn kiệt.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=350
Quay lên trên