Thách thức từ hội nhập - Kỳ cuối

Cập nhật: 18-05-2016 | 12:15:46

Kỳ cuối: Bảo đảm nguồn nhân lực xứng tầm

Bình Dương có nguồn lao động dồi dào, đang làm việc cho hơn 22.000 doanh nghiệp (DN) tại địa phương. Điểm yếu chung, không riêng gì của Bình Dương mà cả nước hiện nay là trình độ tay nghề của người lao động (NLĐ) còn thấp, năng suất lao động thua nhiều nước trong khu vực ASEAN.


Các chuyên gia cho rằng, để hội nhập thành công các doanh nghiệp cần có nguồn nhân lực xứng tầm. Trong ảnh: Người lao động làm việc tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu điều Việt Hà (TX.Thuận An). Ảnh: XUÂN THI

Nâng cao tay nghề cho NLĐ

Khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam tham gia có hiệu lực, nguồn nhân lực sẽ tự do luân chuyển giữa các nước thành viên. Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2015 cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á- Thái Bình Dương; cụ thể thấp hơn Singapore gần 15 lần, chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan.

Một DN Thụy Sĩ chuyên sản xuất điện tử và linh kiện điện tử hoạt động tại TX.Thuận An mới đây đã tổ chức tuyển hơn 1.000 lao động. Người dự tuyển phải qua 6 vòng tuyển chọn, điều đó cho thấy sự chuyên nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài tại Bình Dương. Theo vị giám đốc nhân sự công ty này, cách tuyển đầu vào nhân sự của công ty rất gắt gao, đòi hỏi NLĐ ngoài có sức khỏe tốt, trình độ học vấn nhất định, cần có thêm nhiều kỹ năng mới có thể đáp ứng nhu cầu của DN.

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra là ngành công nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hàm lượng chất xám trong mỗi sản phẩm. Trên cơ sở đó, ngoài sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các DN trong nước cần nắm bắt kịp thời nhu cầu nguồn nhân lực hiện nay để có chiến lược phát triển ổn định, lâu dài, phù hợp với xu thế hội nhập. Và hơn ai hết, bản thân NLĐ phải tự tăng cường học hỏi trau dồi chuyên môn lẫn ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của DN hiện nay.

Phát huy nguồn lực con người

Hiện nay, tại Bình Dương, việc cạnh tranh nguồn nhân lực cao cấp đang diễn ra khá gay gắt giữa DN nội với DN đầu tư nước ngoài (FDI) và giữa DN FDI với nhau sự cạnh tranh thậm chí còn diễn ra quyết liệt hơn. Nhiều DN, công ty sẵn sàng trả lương hàng chục ngàn USD mỗi tháng cho các kỹ sư, nhà quản lý có trình độ chuyên môn cao.

Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Phước Dũ Long (TX.Tân Uyên) chia sẻ, là DN chuyên sản xuất gốm sứ, công ty rất cần nhân sự ở bộ phận thiết kế sản phẩm. Bộ phận này chính là linh hồn của công ty bởi một mẫu mã mới ra đời góp phần tạo nên sự đa dạng sản phẩm, cũng như tôn vinh thêm thương hiệu và đẳng cấp của công ty. Chính vì thế, thời gian qua, quá trình tái đào tạo tay nghề cho NLĐ được Phước Dũ Long thực hiện thường xuyên. Nhiều nhân sự có trình độ chuyên môn cao còn được công ty cử đi học tập, trau dồi thêm kinh nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một khắt khe của khách hàng quốc tế...

Theo đánh giá của các chuyên gia, Bình Dương đã rất nỗ lực trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng về giáo dục, y tế, trung tâm mua sắm… nhằm tạo ra môi trường sống tiện nghi cho NLĐ trong và ngoài tỉnh. Trong đó, chương trình nhà ở xã hội được đánh giá rất cao, với việc xây dựng hàng ngàn căn hộ giá rẻ giúp NLĐ có thêm động lực gắn bó lâu dài với Bình Dương. Các chuyên gia cũng lưu ý, để tận dụng và phát huy hết nguồn nhân lực, ngoài nhiệm vụ tạo môi trường sống lành mạnh, tiện nghi mà tỉnh nhà đã thực hiện rất tốt trong thời gian qua, cộng đồng DN tại Bình Dương cũng cần góp sức vào việc giữ chân NLĐ bằng những chế độ đãi ngộ tương xứng và đừng quên… tái đào tạo nguồn nhân lực hiện có tại DN mình.

 PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên