Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA), có hiệu lực từ 1-7-2019, được các doanh nghiệp (DN) trong nước kỳ vọng sẽ gia tăng hàng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu vào thị trường này. Tuy nhiên, để DN tận dụng được lợi thế này đòi hỏi phải có chiến lược đầu tư dài hơi.
Công ty TNHH Công nghệ Thiên Hưng (TX.Thuận An) mạnh dạn đầu tư công nghệ sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu của các đối tác từ EU. Ảnh: MY PHAN
Rào cản từ kỹ thuật
Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU với chủ đề “EVFTA - chân trời mới hợp tác rộng lớn toàn diện” do Bộ Công thương phối hợp với Phái đoàn EU vừa tổ chức mới đây, ông Hoàng Quốc Vương, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết trong 18 năm qua giá trị thương mại Việt Nam - EU tăng hơn 13 lần, từ khoảng 4,1 tỷ USD vào năm 2000 lên 55,84 tỷ USD năm 2018. EVFTA có hiệu lực, các mặt hàng như dệt may, da giày, điện thoại di động, máy tính, nông sản… của Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế do có đến hơn 75% số dòng thuế về 0%. Không có EVFTA, mức thuế suất hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU là 5 - 22%.
Tại Bình Dương, ngành gỗ- thế mạnh của tỉnh, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4. EU cũng là thị trường chính cung cấp nguồn gỗ nguyên liệu cho Việt Nam. Khi EVFTA có hiệu lực, ngành chế biến gỗ trong nước sẽ được hưởng thuế suất 0% cho ít nhất 90 sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam.
Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương, trước mắt tác động tích cực nhất từ EVFTA là DN sẽ được giảm giá máy móc, thiết bị ngành gỗ nhập khẩu từ EU. Tuy vậy, EU là thị trường đòi hỏi khắt khe các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chí xuất xứ… Đây là điều các DN cần lưu ý để đáp ứng được tiêu chuẩn.
Ở góc độ khác, bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty Cơ khí Kim Chung, cho biết đối với sản phẩm hàng hóa trong lĩnh vực cơ điện muốn vào được thị trường châu Âu phải bảo đảm những tiêu chí kỹ thuật, công nghệ rất khắt khe từ phía đối tác. Trong khi đó, DN trong nước đa số là vừa và nhỏ, nên việc trang bị máy móc công nghệ hiện đại gặp nhiều khó khăn. Hiện công ty đang đẩy mạnh liên kết, làm từng công đoạn. Về lâu dài, công ty cũng phải tính toán để tìm nguồn vốn đầu tư vào công nghệ nếu muốn vào thị trường châu Âu.
Ông Nguyễn Thành Kiên, Giám đốc Hợp tác xã ổi Thành Kiên, chia sẻ đã có khách hàng Hà Lan đến tìm hiểu sản phẩm của hợp tác xã, tuy nhiên tiêu chuẩn nông sản xuất khẩu vào EU rất cao nên sản phẩm của đơn vị không dễ vào được. Chẳng hạn, về nguồn nước, đất hợp tác xã phải tuân thủ theo quy chuẩn châu Âu. Theo ông Kiên, để đáp ứng theo quy trình xử lý đất của Hà Lan đưa ra thì đất ông trồng ổi hiện nay phải bỏ hoang từ 10 - 12 năm để xử lý. Trong khi đó, nguồn nước, thuốc bảo vệ thực vật họ cũng đưa ra những quy chuẩn nghiêm ngặt.
Cần đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn
Khi EVFTA có hiệu lực, đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ, EU đã công nhận 36 mặt hàng có bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Việt Nam cũng cần tuân thủ và công nhận hoàn toàn 160 thương hiệu sản phẩm có chỉ dẫn địa lý sản phẩm của EU.
Bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam-thành viên đoàn đàm phán EU, chỉ ra rằng để hưởng các lợi thế về thuế quan cũng như gia tăng xuất khẩu vào EU, các DN Việt Nam phải nâng cao chất lượng và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của thịtrường này. Chẳng hạn, DN Việt Nam phải kiểm dịch động thực vật cho các sản phẩm nông sản, chứng minh được sản phẩm tốt hơn, vì đã có những thông tin không hay liên quan vấn đề an toàn sản phẩm động thực vật của Việt Nam tại EU.
Bà Miriam Garcia Ferrer cho biết thêm, EU sẵn sàng cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam, để bảo đảm giúp DN Việt Nam áp dụng thuận lợi những điều khoản mà EVFTA đưa ra. Tài liệu hướng dẫn này bộ phận liên quan của EU đã xuất bản từ năm 2016 và được cập nhật thường xuyên. DN Việt Nam có thể liên hệ Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam để tìm hiểu rõ hơn.
TIỂU MY