Thỏa thuận xác lập tài sản trước hôn nhân: Cơ sở để hạn chế tranh chấp, khiếu kiện

Cập nhật: 20-09-2019 | 07:39:06

 Vấn đề xác lập tài sản vợ, chồng trước hôn nhân đã được quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Quy định này nếu đi vào đời sống, được áp dụng triệt để sẽ đem lại nhiều hiệu quả thiết thực; trong đó có việc giảm thiểu những mâu thuẫn, tranh chấp tại tòa án trong và sau những vụ ly hôn kéo dài. Tuy nhiên, thực tế nhiều người vẫn chưa nắm rõ quy định này để có những thỏa thuận tài sản trước khi đăng ký kết hôn...

 Công tác tư vấn pháp luật cho người dân về việc xác lập tài sản trong hôn nhân là cần thiết để hạn chế các tranh chấp, khiếu nại về sau. Trong ảnh: Hội Luật gia tỉnh tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân. Ảnh: TÂM TRANG

 Rắc rối phân chia tài sản sau ly hôn

Ông L.H.L. (SN 1956; ngụ TP.Thủ Dầu Một) sinh sống với bà N.T.X. (SN 1956) như vợ chồng từ năm 1980 nhưng mãi đến năm 2011 mới thực hiện đăng ký kết hôn tại UBND phường.

Trước đó, năm 2005, ông L. được cha mẹ cho tặng lô đất tọa lạc tại phường Phú Thọ và được UBND TP.Thủ Dầu Một cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 15-2- 2006. Đến ngày 27-10-2018, ông L. có tiến hành nhận cọc để chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất này cho ông V.V.T. Trong quá trình làm thủ tục xin xác nhận tình trạng bất động sản tại UBND phường Phú Thọ thì được biết bà X., vợ ông L. có yêu cầu ngăn chặn việc giao dịch bán đất của chồng nên ông L. không thực hiện việc xác nhận tình trạng bất động sản được.

 Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về tài sản riêng của vợ, chồng:

1.Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các Điều 38, 39 và 40 của luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 và Khoản 1 Điều 40 của luật này.

Bức xúc vì cho rằng tài sản trên là của riêng mình nhưng lại bị vợ cản trở việc chuyển nhượng nên ông L. đã gửi đơn khởi kiện bà X. đến Tòa án Nhân dân TP.Thủ Dầu Một.

Một trường hợp khác là ông N.V.A. và bà N.T. N. trước khi đăng ký kết hôn họ sống chung như vợ chồng. Trong thời gian này ông A. có mua một mảnh đất và đăng ký quyền sử dụng đất đứng tên mình. Sau khi kết hôn, ông A. và bà N. có hai con chung. Họ tiếp tục quản lý, sử dụng diện tích đất do ông A. đứng tên và xây nhà mới trên thửa đất này. Bà N. cùng chồng gầy dựng sự nghiệp, phát triển công ty kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng trên một thửa đất khác được vợ chồng bà mua sau khi kết hôn. Thời gian đầu, bà N. phụ giúp chồng quán xuyến việc công ty. Sau này, bà N. ở nhà nội trợ và chăm con. Trong thời gian này, bà N. phát hiện chồng ngoại tình, dùng tiền từ công ty để cung phụng cho nhân tình. Khi đệ đơn ly hôn, bà N. yêu cầu được tòa phân chia tài sản trước và sau khi kết hôn do cả hai vợ chồng bà đang sở hữu.

Tương tự, anh L.M.C. và chị N.T.T.V. (TP.Thủ Dầu Một) sau khi ly hôn đã thỏa thuận được quyền nuôi con nhưng lại tranh chấp về tài sản. Chị V. đứng tên một thửa đất do gia đình để lại. Sau khi kết hôn, họ cùng xây nhà trên diện tích đất này. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng anh C. góp tiền mua một thửa đất khác đứng tên anh C. Khi ly hôn, vợ chồng họ mâu thuẫn vì không tìm được sự thống nhất trong việc phân chia tài sản trước và trong hôn nhân.

Thực tế cho thấy các tranh chấp của vợ chồng trong quá trình ly hôn phần lớn liên quan đến tài sản. Nhiều vụ xét xử ly hôn kéo dài vì những tranh chấp liên quan đến việc phân chia tài sản của các đương sự, trong đó có nhiều vụ vợ hoặc chồng là người nước ngoài. Một số trường hợp khác thì đương sự là vợ hoặc chồng lại sở hữu nhiều bất động sản rải rác ở các tỉnh khác nhau. Do không xác định được tài sản trước khi kết hôn nên đến khi ly hôn, việc phân chia tài sản lại càng phức tạp hơn.

Cần xác lập tài sản trước hôn nhân

Liên quan đến vấn đề có nên xác lập tài của vợ chồng trước hôn nhân, luật sư Nguyễn Thị Diễm Hương, Ủy viên Ban Chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh, Trưởng văn phòng Luật sư Diễm Hương (TX.Thuận An), cho rằng chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận là cần thiết và đem lại nhiều lợi ích.

Theo luật sư Hương, vợ chồng có thể lựa chọn một trong các chế độ tài sản do pháp luật quy định hoặc tự thiết lập một chế độ riêng với điều kiện không trái với pháp luật. Chế độ tài sản theo thỏa thuận là việc vợ chồng tự thỏa thuận và thỏa thuận cùng với nhau về việc xác lập và thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với tài sản của họ. Thỏa thuận này thường được thể hiện dưới dạng văn bản (dưới nhiều tên gọi: Hôn ước, hợp đồng tiền hôn nhân hay thỏa thuận trước hôn nhân...)

Chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận là cần thiết và đem lại nhiều lợi ích. Trước hết là bảo đảm được quyền tự định đoạt của cá nhân đối với tài sản của mình. Xét về góc độ kinh tế thì vợ chồng được tự do thỏa thuận chế độ tài sản sẽ giúp họ giảm thiểu các rủi ro trong kinh doanh, do đó tránh được tình trạng gia đình bấp bênh khi cả hai vợ chồng cùng tham gia các hoạt động kinh doanh có rủi ro cao. Hơn nữa, điều này còn cho phép vợ chồng có thể tự bảo toàn khối tài sản riêng của mình; giảm, tránh được những xung đột, tranh chấp về tài sản sau khi ly hôn.

“Thực tiễn cho thấy phần lớn các tranh chấp của vợ chồng có liên quan đến tài sản. Sự phức tạp trong việc xác định tài sản chung, tài sản riêng vợ chồng là nguyên nhân làm phát sinh những tranh cãi, mâu thuẫn giữa vợ chồng. Vì vậy, nếu như trước đó giữa vợ chồng có thực hiện chế độ thỏa thuận tài sản thì khi ly hôn nếu tranh chấp về tài sản, thì hôn ước là căn cứ giúp tòa án xác định đâu là tài sản riêng, chung được dễ dàng và nhanh chóng hơn. Mặt khác, sự thỏa thuận hòa giải được với nhau về tài sản sẽ góp phần làm giảm chi phí, án phí khi ly hôn.

Tóm lại, quyền tài sản của vợ chồng là quyền gắn với nhân thân vợ chồng, vì vậy trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân mỗi cặp đôi hãy cùng nhau thỏa thuận, quyết định lựa chọn một hình thức thực hiện hợp lý, có lợi nhất cho bản thân và gia đình mình”, luật sư Hương phân tích.

 Luật gia Ngô Thị Liên, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh: “Tài sản của vợ chồng có trước hôn nhân được hiểu rằng trước khi kết hôn mỗi người vợ, chồng đã có tài sản này. Theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình thì tài sản có trước khi kết hôn là tài sản riêng của vợ, chồng. Theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chủ sở hữu tài sản riêng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt riêng đối với khối tài sản này mà không bị lệ thuộc bởi bất cứ người nào khác.

Trong thực tiễn tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý và tham gia tố tụng, tôi nhận thấy phần lớn các vụ án ly hôn, vợ và chồng đều có yêu cầu tòa án phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Có một số trường hợp đương sự cũng có yêu cầu được tính toán công sức quản lý, tôn tạo, phát triển đối với khối tài sản riêng của vợ chồng.

Chẳng hạn, trước khi kết hôn A được cha mẹ ruột cho tặng căn nhà tại thành phố H. A kết hôn với B, và cùng sinh sống tại căn nhà thành phố H. Thời kỳ hôn nhân A và B tạo lập được tài sản chung là căn nhà tại thành phố T. Sau đó B có yêu cầu ly hôn, B xác định căn nhà tại thành phố T. là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Đồng thời B cũng yêu cầu tòa án tính toán công sức quản lý, tôn tạo, phát triển đối với căn nhà tại thành phố H.”

 TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=768
Quay lên trên