Thời gian gần đây, các nhà khoa học đã chứng minh, người nhiễm HIV nếu uống thuốc kháng vi rút (ARV) đều đặn mỗi ngày thì chất lượng cuộc sống sẽ được nâng lên, sống tốt và sống lâu như người bình thường. Đó chính là ý nghĩa của thông điệp “Không phát hiện = Không lây truyền” (K=K) đang được ngành y tế triển khai thực hiện...
Một bệnh nhân chia sẻ về việc tuân thủ điều trị ARV tốt đã giúp chị có cuộc sống ý nghĩa hơn
K=K là một thông điệp mới về lợi ích của điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) với người nhiễm HIV dựa trên bằng chứng khoa học. Việt Nam là một trong những quốc gia đi tiên phong trong các hoạt động truyền thông thông điệp K=K vào điều trị ARV. Tại Bình Dương, chiến dịch K=K cũng đã được Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh phối hợp với Tổ chức hợp tác Vì sự phát triển y tế Việt Nam (HAIVN) cung cấp thông tin đến những người làm công tác truyền thông, nhân viên y tế và cộng tác viên điều trị hỗ trợ nhằm lan truyền sâu rộng hơn chiến dịch K=K trong thời gian tới.
Bác sĩ Vương Thế Linh, Phó trưởng khoa Quản lý điều trị, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, cho biết người nhiễm HIV nếu tuân thủ tốt điều trị (uống thuốc ARV đều đặn theo hướng dẫn của thầy thuốc) thì cuộc sống của họ cũng như tình trạng sức khỏe của họ sẽ được cải thiện rất nhiều. Khi điều trị bằng thuốc ARV khống chế tải lượng vi rút của một người xuống dưới 200 bản sao/ml. Điều này được gọi là “tải lượng vi rút được ức chế” (tức là không phát hiện). Tải lượng vi rút ức chế ngăn lây HIV qua đường tình dục; đồng thời nâng cao sức khỏe của một người sống với HIV. Các nghiên cứu cho rằng, khi một người có tải lượng vi rút được ức chế, họ không thể truyền HIV cho bạn tình. “Việc tuân thủ điều trị nghiêm ngặt hoặc dùng thuốc ARV theo đơn đã kê có ý nghĩa rất quan trọng để duy trì ức chế tải lượng vi rút không phát hiện”, bác sĩ Linh nói.
Mới đây, tại buổi cung cấp thông tin cho những người làm công tác truyền thông, nhân viên y tế và công tác viên điều trị hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, khi nói về thông điệp K=K, bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm, tổ chức HAIVN, chia sẻ đo tải lượng vi rút HIV là phương pháp tốt nhất để biết hiệu quả điều trị ARV. Và kết quả tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện là động lực để bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt. Người nhiễm HIV tuân thủ điều trị tốt sẽ không bị bệnh, ít có nguy cơ bị kháng thuốc, ít có nguy cơ truyền bệnh cho bạn tình của mình. Chỉ có tuân thủ điều trị ARV để duy trì tải lượng vi rút dưới ngưỡng, giúp người nhiễm HIV tăng cường hệ miễn dịch và họ sẽ sống lâu, sống khỏe mạnh hơn.
Thực tế, trong thời gian qua nhiều người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh đã áp dụng thông điệp K=K thành công, mang lại cho họ nhiều ý nghĩa cuộc sống. Chị A. là một người nhiễm HIV chia sẻ, chị bị nhiễm HIV và tham gia điều trị ARV từ cuối năm 2014. Trong điều trị HIV, mình luôn uống thuốc ARV đều đặn mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ. Từ lúc có thông điệp K=K, mình đã tìm hiểu, áp dụng và thấy tự tin hơn. Cuộc sống của mình từ đó đã có sự thay đổi lớn. Mình sống cởi mở với mọi người hơn, tự tin quen với bạn trai bây giờ. Anh ấy hiểu và thông cảm với mình. Kết quả tải lượng vi rút những lần xét nghiệm của mình đều không phát hiện. Anh ấy đi xét nghiệm nhiều lần tải lượng cũng âm tính. K=K đã cho mình một cuộc sống hạnh phúc hơn và mình với anh ấy cũng dự định sẽ sinh con trong thời gian tới...”.
Bằng chứng khoa học đã khẳng định và trong thực tế nhiều bệnh nhân đã áp dụng K=K thành công. K=K là một thông điệp mới về lợi ích của điều trị bằng thuốc ARV với người nhiễm HIV. Đối với người nhiễm HIV và bạn tình của họ, K=K là cơ hội mới giúp họ có một cuộc sống ý nghĩa, hạnh phúc hơn. Bác sĩ Vương Thế Linh cho biết chiến dịch truyền thông K=K mới phát động tại một số tỉnh, thành từ khoảng đầu năm 2019. Từ nay đến cuối năm, một số tỉnh, thành sẽ tiếp tục triển khai chiến dịch truyền thông K=K, trong đó có tỉnh Bình Dương.
Mục đích của việc tổ chức chiến dịch truyền thông nhằm giúp mọi người biết đến thông điệp này. “Đâu đó vẫn còn những bệnh nhân, những người nhiễm HIV chưa hiểu rõ hết việc tuân thủ điều trị ARV có thể giúp họ có gia đình hay không, có thể có con hay không... K=K là bằng chứng khoa học có cơ sở để họ có thể thực hiện những điều mình mong muốn đó. Song song với công tác truyền thông, chúng tôi cũng đã thực hiện nhiều hoạt động khác, như in tờ rơi để tuyên truyền, lan tỏa thông điệp này đến với người bệnh, tổ chức các lớp tập huấn, học trực tuyến để lan tỏa thông điệp này càng sớm, càng rộng và mạnh thì hiệu quả sẽ được nâng cao. ..”, bác sĩ Linh chia sẻ.
HỒNG THUẬN