Thu hút FDI: Lĩnh vực chế biến chiếm tỷ lệ cao

Cập nhật: 02-12-2011 | 00:00:00

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến tháng 11-2011 của cả nước chỉ mới bằng 84% so với cùng kỳ năm 2010 (đạt 12,69 tỷ USD). Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút được nhiều dự án và vốn.  Chế biến gỗ tại một công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở Bình Dương

 Lĩnh vực chế biến chiếm gần 50%

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến thời điểm 20-11 cả nước có 919 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 9,91 tỷ USD, bằng 84% so với cùng kỳ năm 2010. Có 324 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 2,78 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2010. Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 11 tháng của năm 2011, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 12,69 tỷ USD, bằng 84% so với cùng kỳ 2010.

Theo phân loại của Cục Đầu tư nước ngoài, trong các lĩnh vực thu hút FDI thì công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất tính đến thời điểm tháng 11. Có tới 382 dự án đầu tư đăng ký mới, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 6,24 tỷ USD, chiếm 49,1% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký trong 11 tháng.

Đứng sau chế biến là lĩnh vực sản xuất phân phối điện với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,53 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 thuộc về lĩnh vực xây dựng với 119 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm khoảng 1,19 tỷ USD, chiếm 9,4%. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 464,13 triệu USD, chiếm 3,7%.

Bình Dương đứng thứ 3 về số dự án

Theo sắp xếp thứ tự về vốn thu hút FDI của Cục Đầu tư nước ngoài trong tháng 10 Bình Dương đứng ở vị trí thứ 6 sau Hải Dương, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Tây Ninh. Thời điểm tháng 10 Cục Đầu tư nước ngoài thống kê Bình Dương thu hút được 62 dự án với số vốn đăng ký 364,9 triệu USD. Tuy nhiên, đến tháng 11 Bình Dương lại đứng ở vị trí thứ 7 với 69 dự án, số vốn đăng ký 400,3 triệu USD. Trong khi đó, theo báo cáo của UBND tỉnh thì con số này được cập nhật ở mức cao hơn là 72 dự án mới với số vốn 401 triệu USD. Nếu tính cả dự án mới và đăng ký tăng vốn thì Bình Dương đã thu hút được 841 triệu USD tính đến thời điểm đầu tháng 11.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hải Dương vẫn là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 2,56 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 20,1% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 2 là TP.Hồ Chí Minh với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,15 tỷ USD, chiếm gần 17%. Hà Nội đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,095 tỷ USD. Tiếp theo là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Hải Phòng với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 912,8 triệu USD, 830,8 triệu USD và 806,7 triệu USD.

Nếu xét về số dự án thì Bình Dương chỉ đứng thứ 3 sau TP.HCM và Hà Nội. Điều này cho thấy, cùng với 2 thành phố lớn nhất nước các dự án FDI thu hút trong 11 tháng qua có số vốn khá nhỏ trong khi Hải Dương và Hải Phòng chỉ 20 - 22 dự án nhưng số vốn đã vượt lên con số tỷ USD. Một số dự án lớn điển hình như: dự án Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương (nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương) với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,26 tỷ USD; dự án Công ty TNHH sản xuất First Solar Việt Nam, thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo do Singapore đầu tư tại TP.HCM với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD; dự án Công ty TNHH lốp xe Việt Luân với tổng vốn đầu tư 400 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực sản xuất lốp xe do Trung Quốc đầu tư, dự án Công ty TNHH Kính chuyên biệt NSG do Pilkington Group Ltd (PGL) - Vương Quốc Anh liên doanh với Việt Nam, tổng vốn đầu tư 323,01 triệu USD với mục tiêu sản xuất và tiêu thụ thủy tinh tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tính từ đầu năm 2011 đến nay, có 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,09 tỷ USD, chiếm 24,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,12 tỷ USD, chiếm 16,7 % tổng vốn đầu tư; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,58 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 4 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,16 tỷ USD, chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đứng thứ 5 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 657 triệu USD, chiếm 5,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

K.TÂN

(Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=444
Quay lên trên