Thuốc bảo hiểm y tế: Sớm tháo gỡ khó khăn để người bệnh yên tâm điều trị

Cập nhật: 30-09-2019 | 08:16:41

 Những tháng gần đây, tại một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng thiếu cục bộ một số loại thuốc hỗ trợ điều trị. Do thiếu thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) nên một số bệnh nhân có thẻ BHYT nhưng vẫn phải mua thuốc bên ngoài hoặc chuyển tuyến để điều trị bệnh.

 Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang thăm khám cho người bệnh

 Thiếu một số loại thuốc

Ông Lại Quang Thọ, cán bộ hưu trí đang sống tại khu phố 9, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, cho biết ông bị tiểu đường týp 2 và khám bệnh BHYT tại Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một. Tuy nhiên, khoảng 2 tháng trước ông đi khám thì được báo là hết thuốc và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. “Nhiều người bị tiểu đường như tôi đang khám BHYT nhưng không thuộc diện cán bộ trung cao đều được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) điều trị. Việc đi lại xa xôi nên rất tốn kém cho người bệnh. Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn và đặt câu hỏi là vì sao ngành y tế không dự trù đủ thuốc để phục vụ người bệnh...”, ông Thọ băn khoăn.

Cô Đỗ Thị Thu Tân ở phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, cũng đang khám BHYT tại Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một, cho biết từ tháng 7 đến nay cô đi khám đều không có đủ loại thuốc như lúc đầu. “Bệnh của tôi phải đi khám, nhận thuốc điều trị hàng tháng. Trước đây, mỗi lần khám xong tôi đều nhận 4 loại thuốc khác nhau về nhà uống, nhưng khoảng 2 tháng nay chỉ nhận được 2 loại, như vậy là thiếu mất 2 loại. Tôi phải xin toa thuốc để ra nhà thuốc bên ngoài mua cho đủ uống”.

Bệnh viện... chờ đấu thầu

Mang những điều mà nhiều người bệnh thắc mắc, chúng tôi đã đặt câu hỏi với lãnh đạo một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh và họ công nhận, tình trạng thiếu thuốc hiện nay là hoàn toàn có thật. Đây là tình trạng chung mà các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh đang gặp phải. Và theo quy định, nguồn thuốc tại các cơ sở y tế công lập đều phải đấu thầu tập trung.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Phản ánh về việc thiếu thuốc của người dân là có thật. Tuy nhiên, các loại thuốc cơ bản vẫn bảo đảm đủ để phục vụ nhu cầu của người bệnh, còn những loại thuốc bị thiếu chủ yếu tập trung vào nhóm thuốc hỗ trợ điều trị, các loại vitamin... Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện các bước để đấu thầu tập trung, hy vọng sẽ sớm có kết quả để đủ thuốc phục vụ người dân”.

Bác sĩ Dương Tấn Tài, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết tình trạng này xảy ra từ khoảng tháng 7 đến nay. “Việc đấu thầu thuốc tập trung phải đúng quy định nên hiện nay chúng tôi cũng phải chờ kết quả đấu thầu mới có đủ thuốc phục vụ bệnh nhân. Là cán bộ y tế, chúng tôi luôn muốn có đủ thuốc để phục vụ nhu cầu sức khỏe của người dân. Hy vọng vấn đề sớm được giải quyết, giúp ngành y tế nói chung và Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng sớm khắc phục được tình trạng thiếu thuốc này…”, bác sĩ Tài nói.

Theo quy định, việc tổ chức đấu thầu tập trung thường mất khoảng 6 tháng mới xong. Vậy, trong thời gian chờ kết quả đấu thầu tập trung, thiết nghĩ ngành y tế cần nhanh chóng phối hợp với các ngành liên quan tìm cách tháo gỡ để sớm có đủ nguồn thuốc phục vụ nhu cầu người bệnh.

 Trước tình trạng thiếu một số loại thuốc BHYT, phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc trao đổi với bác sĩ Từ Tấn Thứ, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Sở Y tế về hướng giải quyết vấn đề này.

- Thời gian gần đây, các cơ sở y tế công lập đang gặp phải tình trạng thiếu thuốc. Trước tình trạng này, ngành y tế đã có giải pháp và kiến nghị gì với tỉnh để có hướng giải quyết, thưa ông?

- Theo quy định của các văn bản pháp quy hướng dẫn đấu thầu phải có đơn vị mua thuốc tập trung cấp tỉnh tổ chức đấu thầu tập trung thuốc để sử dụng chung cho các cơ sở y tế trong toàn tỉnh. Ngày 15-7-2019, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2028/QĐ-UBND về việc thành lập đơn vị mua thuốc tập trung tỉnh Bình Dương.

Trong thời gian gần đây, Sở Y tế đã ghi nhận xảy ra tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại các cơ sở y tế, nhất là các thuốc cấp cứu, thuốc điều trị các bệnh mãn tính... Trước tình trạng này, Sở Y tế đã thực hiện các giải pháp sau: Tiến hành điều chuyển thuốc giữa các cơ sở y tế. Căn cứ theo các văn bản hướng dẫn về đấu thầu, Sở Y tế đã có văn bản thống nhất với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh cho các cơ sở y tế ngoài công lập được áp giá trúng thầu của cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, sở cũng có văn bản đề xuất UBND tỉnh hướng giải quyết vấn đề này. Hiện nay, đơn vị mua thuốc tập trung đã trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu mua thuốc chữa bệnh. Dự kiến, UBND tỉnh sẽ phê duyệt vào cuối tháng 9, sẽ phát hành hồ sơ mời thầu trong tháng 10 và sẽ có kết quả lựa chọn nhà thầu trong tháng 12-2019.

- Được biết, UBND tỉnh vừa có buổi làm việc với ngành y tế và các ngành liên quan về vấn đề này. Vậy, hướng giải quyết của tỉnh về vấn đề này như thế nào, thưa bác sĩ?

- Trước tình hình thiếu thuốc tại các cơ sở y tế, để có hướng giải quyết kịp thời, ngày 25-9-2019, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Y tế và các ban ngành có liên quan. Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế khẩn trương tổ chức đấu thầu; đồng thời yêu cầu các ban ngành có liên quan quan tâm hỗ trợ để có kết quả lựa chọn nhà thầu trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã đồng ý cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh được tự tổ chức đấu thầu đối với các mặt hàng cấp cứu, thuốc điều trị các bệnh mãn tính... để giải quyết tình trạng thiếu thuốc hiện nay. UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, dù khẩn trương tổ chức đấu thầu nhưng phải bảo đảm đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu.

HỒNG THUẬN (ghi)

CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=4820
Quay lên trên