Các bệnh nhân về phổi có liên quan đến thuốc lá đang điều trị tại Khoa nội I, BVĐK tỉnh
Mặc cho khuyến cáo của các nhà chuyên môn về tác hại của thuốc lá (TL), số lượng người hút thuốc lá (HTL) vẫn ngày càng gia tăng, đặc biệt là phụ nữ và thanh thiếu niên. TL không chỉ là tác nhân chính gây ra các bệnh đường hô hấp, trong đó có bệnh ung thư phổi mà còn là nguyên nhân của hàng loạt những căn bệnh nguy hiểm khác... Khoa nội 1, BVĐK tỉnh vẫn những âm thanh của bệnh tật với những cơn ho nặng nề, hơi thở khó nhọc của những bệnh nhân là nạn nhân của TL. Bệnh nhân ở đây đa phần là những người lớn tuổi và có “thâm niên” hút thuốc. Bác Trần Văn Tuấn, 75 tuổi, ở xã Chánh Mỹ, TX.TDM nói với chúng tôi bác HTL từ năm 15 tuổi, bác cũng bỏ hoài nhưng bỏ không được, hiện nay cứ vài tháng bác lại phải nằm ở đây vì bệnh viêm phế quản. Chỉ tay sang giường bên kia, nơi bác N.V. Nhị đang rúm người vì một cơn ho dài, bác Tuấn nói: ông ấy ho suốt ngày suốt đêm! Bác Nhị tâm sự với chúng tôi rằng bác phải khổ sở vì những cơn ho, ban đêm không ngủ được, nếu hết bệnh bác sẽ bỏ không HTL nữa. Còn anh L.N.Bích là một trường hợp khác, anh không HTL nhưng lại bị tràn dịch màng phổi rồi bị hen phế quản, anh cho rằng có lẽ do anh hít phải bụi xi măng vì anh làm phụ hồ từ khi còn nhỏ, là gia đình thuộc diện nghèo giờ càng thêm khốn đốn bởi anh từ lao động chính trở thành gánh nặng cho vợ con.Tại khoa nhiễm, BVĐK tỉnh cũng thường xuyên có nhiều bệnh nhân lao phổi mà hầu hết là những người HTL lâu năm. Bác sĩ Trưởng khoa Nguyễn Văn Lục cho biết HTL lâu ngày sẽ làm ứ trệ đàm phổi, quá trình trao đổi khí bị tắc nghẽn, là cầu nối cho nhiều bệnh cơ hội và làm bệnh nặng hơn. Ngoài ra các chất độc hại trong TL còn gây ra các bệnh lý về tiêu hóa và cả bệnh lý tim mạch (làm tăng nguy cơ các cơn đau thắt ngực, tăng huyết áp).
Bác sĩ Vũ Xuân Hòa, CKI nội tổng quát, Bệnh viện Quân đoàn 4 cho biết tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng theo kinh nghiệm thì các ca bệnh về phổi tại đây như viêm phế quản, hen phế quản, ung thư phổi nguyên nhân hàng đầu là do HTL. Hầu hết những ca ung thư phổi được đưa đến bệnh viện muộn. Những người HTL lâu năm, bệnh ung thư phổi phát triển âm thầm, trong khi đó y tế tuyến dưới do thiếu máy móc nên thường chẩn đoán là bệnh viêm phế quản, đến khi phát hiện thì bệnh đã nặng. Bác sĩ Hòa cũng cho biết trong TL có các chất gây ung thư và chất nicotin gây nghiện. Hiện nay ngày càng có nhiều thanh thiếu niên HTL, lúc đầu hút để thể hiện mình là đàn ông hay để xã giao nhưng sau đó do chất nicotin gây nghiện nên rất khó bỏ và lâu ngày các chất gây ung thư có cơ hội phát triển.
Một điều đáng nói khác là không chỉ những người HTL mới chịu các nguy cơ mắc bệnh mà những người hít phải khói thuốc của họ cũng chịu hậu quả tương tự.
Đức Lê