Tiến sỹ Daniel Tan, chuyên gia tư vấn tại Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore, thành viên nhóm nghiên cứu thuốc chống ung thư phổi mới-Ceritinib. (Nguồn: Today Singapore)
Kết quả thử nghiệm lâm sàng của các bác sỹ tại Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore (NCCS) vừa công bố cho thấy một loại thuốc mới có tên gọi Ceritinib đã mang lại triển vọng cho các bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối.
Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu được thực hiện đối với 246 bệnh nhân tại 20 trung tâm của 9 quốc gia.
Các bệnh nhân này mắc bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ, gây ra bởi sự bất thường do đột biến ALK (dung hợp gen EML4-ALK).
Theo đó, khối u có trong những bệnh nhân tham gia thử nghiệm sử dụng thuốc Ceritinib đã không phát triển trong khoảng thời gian trung bình từ 8-10 tháng.
Các bệnh nhân này đang được điều trị bằng thuốc Crizotinib, một loại thuốc thông dụng đang được dùng điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối, nhằm giúp kiểm soát sự tăng trưởng khối u trong thời gian từ 6-11 tháng. Tuy nhiên, sau một thời gian, cơ thể bệnh nhân đã không dung nạp và xuất hiện các phản ứng kháng thuốc.
Vì vậy, các bác sỹ đã sử dụng loại thuốc mới Ceritinib, tuy cũng tương tự như Crizotinib nhưng có tác dụng ngăn chặn hoạt động của chất vận chuyển gốc phosphate mạnh hơn khoảng 20 lần và gắn kết hiệu quả hơn.
Tiến sỹ Daniel Tan, chuyên gia tư vấn tại Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết loại thuốc mới này đã được sự chấp thuận của Cơ quan Khoa học Y tế trong tháng Tư vừa qua sau khi trải qua hai giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thay vì ba lần như thông thường, do những kết quả mang lại rất tích cực. Thử nghiệm lâm sàng đã được bắt đầu tiến hành vào năm 2011.
Tuy chưa chính thức, song các nhà nghiên cứu cho biết giá thành của loại thuốc mới này sẽ chỉ tương đương so với loại thuốc Crizotinib trước đó.
Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất hiện nay và các trường hợp ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm tới 85-90%.
Khoảng 8% các trường hợp ung thư phổi không tế bào nhỏ được điều khiển bởi sự sắp xếp lại các gen ALK, mà nguyên nhân là kinase, một loại enzyme (protein), hợp nhất với các enzym khác để sản xuất một protein bất thường nhằm thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của khối u trong ung thư./.
(Theo TTXVN)