Bình Dương là vùng đất mang đậm nét văn hóa làng nghề thủ công truyền thống như nghề sơn mài, nghề gốm, nghề điêu khắc mỹ thuật... Trong đó, nổi bật nhất có thể kể đến là nghề sơn mài. Năm 2016, sơn mài Tương Bình Hiệp được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, theo Quyết định số 1328 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hiện tại, Bình Dương có 4 nghệ nhân sơn mài đã được Nhà nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Hôm nay (25-1), tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức triển lãm “Sơn mài Bình Dương - dấu ấn trăm năm”.
Sự hình thành, phát triển sơn mài Bình Dương
Căn cứ vào các tư liệu lịch sử, nghề sơn cổ truyền Việt Nam đã có ở Bình Dương từ những thế kỷ trước. Theo dòng di dân, nhiều lớp thợ sơn từ đất Quảng Bình, Thuận Hóa mang theo nghề sơn vào tận xứ Đồng Nai, Gia Định, trong đó có làng Tương Bình Hiệp (nay là phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một). Năm 1901, Pháp thành lập trường Mỹ thuật bản xứ Thủ Dầu Một (trường Bá nghệ), giảng dạy nghề cẩn ốc xà cừ và đồ sơn mỹ nghệ. Từ đó, nghề sơn có thêm đội ngũ lành nghề được đào tạo chính quy. Sau năm 1930, một loại sơn cánh gián có khả năng mài với nước được nghiên cứu thành công bởi lớp sinh viên của trường Mỹ thuật Đông Dương, góp phần hình thành nghề thủ công mới trên cơ sở nghề sơn cổ truyền - đó là nghề sơn mài. Kỹ thuật sơn mài được đưa vào giảng dạy tại trường Bá nghệ Thủ Dầu Một. Từ năm 1933, lớp học viên nghề sơn mài được đào tạo chính quy ra trường về địa phương mở xưởng sản xuất. Từ chiếc nôi Tương Bình Hiệp, nghề sơn mài lan rộng ra các địa phương khác như Bến Thế (nay là phường Tân An), Phú Cường (nay là phường Phú Cường) với hơn 10 cơ sở sản xuất sơn mài và hơn 300 hộ gia đình làm nghề ở làng Tương Bình Hiệp (theo số liệu thống kê năm 1945).
Giai đoạn 1940-1975, sản phẩm sơn mài Bình Dương đạt đỉnh cao về số lượng, trình độ mỹ thuật và chất lượng nghệ thuật cùng với sự đa dạng phong phú về đề tài. Xưởng sơn mài Thanh Lễ, do nghệ nhân Trương Văn Thanh và Nguyễn Văn Lễ sáng lập quy tụ được nhiều họa sĩ, nghệ nhân nổi tiếng trong vùng như Thái Văn Ngôn, Ngô Từ Sâm, Nguyễn Văn Tuyền… Trên địa bàn Bình Dương lúc bấy giờ còn có nhiều thương hiệu nổi tiếng khác như Lương Định Của, Trần Hà, Văn Thoạt... Sản phẩm sơn mài xuất khẩu sang thị trường châu Âu, tham gia triển lãm tại các hội chợ, sản phẩm sơn mài Bình Dương được tặng huy chương vàng tại hội chợ Munich (Đức) 1964.
Từ năm 1975 đến nay, sơn mài tiếp tục phát triển, sản phẩm đa dạng về chủng loại và chất liệu, phong phú về đề tài và kỹ thuật thể hiện theo xu thế mỹ thuật thời đại. Nghề sơn mài phát triển rộng khắp các địa phương trong tỉnh, tập trung đông nhất là làng sơn mài Tương Bình Hiệp. Sản phẩn sơn mài được ưa chuộng cả trong và ngoài nước. Hiện tại, Bình Dương có khoảng 80 cơ sở và hộ gia đình sản xuất sơn mài với hơn 500 người làm nghề, tập trung chủ yếu tại phường Tương Bình Hiệp và phân bố rải rác trên địa bàn tỉnh.
Dù trải qua những lúc thăng trầm, sơn mài Bình Dương đã và đang thể hiện một sức sống bền bỉ, lâu dài, bất chấp phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thử thách góp phần đưa sản phẩm sơn mài Bình Dương nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung hội nhập với văn hóa thế giới.
Sơn mài Bình Dương - dấu ấn trăm năm
Với bề dày truyền thống và lịch sử phát triển, sơn mài Bình Dương ghi dấu ấn sâu sắc trong lịch sử phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương. Chính nghề truyền thống này đã tạo ra những lớp người, những thế hệ nghệ nhân đầy trí tuệ, sáng tạo và khả năng lao động, rèn luyện tay nghề không ngừng nghỉ đem lại cái đẹp đến với mọi người. Trong chủ đề trưng bày, “trăm năm” ở đây không phải mang yếu tố thời gian, “trăm năm” ở đây được gắn với triết lý nhân sinh, bởi sơn mài đã gắn chặt với cuộc đời nhiều nghệ nhân, gắn chặt với nghề nghiệp truyền thống gia đình từ ông bà, cha mẹ, con, cháu... Trưng bày mang ý nghĩa tôn vinh giá trị kinh tế, văn hóa của nghề sơn mài Bình Dương, tôn vinh những thế hệ nghệ nhân có nhiều đóng góp cho sự tồn tại và phát triển của nghề.
Trưng bày có hơn 100 tài liệu, hiện vật và hình ảnh tiêu biểu mang đậm dấu ấn của sơn mài Bình Dương sẽ ra mắt công chúng và khách tham quan tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương, số 565 đại lộ Bình Dương, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương từ ngày 25-1 đến ngày 20-2-2019.
Chuyên đề giới thiệu 4 nội dung chính:
Dấu cũ nét xưa: Giới thiệu tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển sơn mài Bình Dương, các dụng cụ làm nghề sơn mài, mô phỏng quy trình sản xuất sơn mài qua mẫu vật và các sản phẩm sơn mài trước năm 1975 được thể hiện công phu, sinh động và ấn tượng.
Kế thừa và phát huy: Trưng bày các sản phẩm có kỹ thuật tiêu biểu trong giai đoạn từ năm 1975-2000. Người xem sẽ được chiêm ngưỡng sản phẩm sơn mài với nhiều kỹ thuật thể hiện từ khắc, cẩn ốc chìm - nổi, cẩn trứng đen - trắng, vẽ vàng, dát vàng, phủ màu, cẩn ốc nổi phông màu, cẩn trứng màu, phù điêu ốc, vẽ đắp nổi, vẽ phủ chất liệu mới cho tới kỹ thuật sơn mài theo phong cách hiện đại, sử dụng sơn PU nhiều màu, dát bạc phủ màu, vẽ nổi trên nền màu, cẩn tre, cốt nhựa, tranh in…
Nghệ thuật - sáng tạo: Trưng bày các sản phẩm trong giai đoạn từ năm 1975-2000 thể hiện sự phát triển của sơn mài Bình Dương ngày càng đa dạng về chủng loại và chất liệu, phong phú về đề tài và kỹ thuật thông qua việc tiếp nhận và khai thác sự đa dạng của cuộc sống hiện đại. Chất liệu sơn mài truyền thống qua tay người họa sĩ, nghệ nhân đã trở thành ngôn ngữ nghệ thuật sinh động, phô diễn được cảm xúc phong phú trước nhiều đề tài được mở rộng theo xu hướng thời đại.
Vinh danh: Tôn vinh những nghệ nhân, họa sĩ đã gắn cả cuộc đời vào sơn mài với những tác phẩm, sản phẩm của chính những họa sĩ, nghệ nhân làm ra.
Bên cạnh hiện vật, khách tham quan còn được xem một số hình ảnh về hoạt động của nghề sơn mài, một số hình ảnh của các nghệ nhân và sự quan tâm của khách quốc tế đối với sơn mài Bình Dương. Ngoài ra, trong hoạt động trưng bày, khách tham quan còn được chứng kiến sự khéo léo của nghệ nhân qua một vài công đoạn như vẽ, khắc, cẩn ốc… trải nghiệm hoạt động “tập làm nghệ nhân” dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân sơn mài.
“Đợt trưng bày lần này, Ban tổ chức chọn hiện vật tiêu biểu từ các cơ sở sản xuất sơn mài, các nhà sưu tập tư nhân trong tỉnh, hiện vật sơn mài của Bảo tàng để giới thiệu đến công chúng. Qua trưng bày muốn khẳng định rằng: Sơn mài Bình Dương không những đóng góp vào kinh tế địa phương mà còn thể hiện nét văn hóa, lịch sử truyền thống đặc sắc của tỉnh, tôn vinh những nghệ nhân, họa sĩ tiêu biểu của nghề. Trưng bày nằm trong chương trình, kế hoạch công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Bình Dương và hoạt động thiết thực mừng Đảng - mừng xuân Kỷ Hợi 2019 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Bảo tàng Bình Dương thực hiện”.
(Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng Bình Dương)
MINH NGA