Hiện nay, công tác tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 đang được Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố triển khai tích cực. Tổng năng lực điều trị của tỉnh đạt trên 5.000 bệnh nhân. Hiện bệnh Covid-19 chưa có thuốc đặc hiệu nên ngành y tế tỉnh chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng cho bệnh nhân, thường xuyên hội chẩn với cơ sở điều trị tuyến trên để hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Y tế TP.Thuận An
Bảo đảm năng lực điều trị trên 5.000 bệnh nhân
Hiện nay, tỉnh đã thành lập Khu điều trị Covid-19 là Trung tâm ICU (cấp cứu hồi sức) tại cơ sở 2 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh với 200 giường. Bác sĩ Cao Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết phần lớn bệnh nhân Covid-19 đợt này không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ. Để thuận lợi cho việc chăm sóc, điều trị, Sở Y tế chỉ đạo phân luồng bệnh nhân theo diễn biến sức khỏe của từng ca bệnh. Bệnh nhân không có triệu chứng điều trị tại các Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố. Trường hợp diễn tiến nặng được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Các bệnh nhân nhẹ ít triệu chứng sẽ được điều trị tại Trung tâm Y tế tuyến huyện, thị, thành phố, do đó tỉnh cũng chuẩn bị năng lực thu dung, điều trị bệnh nhân của các trung tâm với khoảng 1.700 giường. Cụ thể, Trung tâm Y tế TP.Thuận An có khả năng điều trị 250 giường; Cư xá 1 - Nhà ở xã hội Becamex - Mỹ Phước: 400 giường; Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng: 250 giường; Trung tâm Y tế TX.Tân Uyên: 200 giường; Cư xá 2 - Nhà ở xã hội Becamex - Thới Hòa: 400 giường; Trung tâm Y tế TP.Dĩ An: 100 giường và Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng: 100 giường. Ngoài ra, Sở Y tế đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khảo sát, tăng cường năng lực điều trị, thành lập mới khu cách ly, điều trị F0 ban đầu tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh với 900 giường, ký túc xá Đại học Quốc tế Miền Đông - Becamex với 2.700 giường, bảo đảm năng lực điều trị trên 5.000 bệnh nhân.
Tiến sĩ Văn Quang Tân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết hiện nay đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải đồng thời thực hiện tốt 2 mục tiêu: khám, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 và bảo đảm tốt khám, chữa bệnh khác cho người dân trong tỉnh, không để gián đoạn. Để làm được điều đó, bệnh viện liên tục rà soát, kiện toàn, duy trì tổ chức kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ngay tại bệnh viện. Cụ thể, bệnh viện thực hiện khai thác tiền sử dịch tễ của người đến khám, chữa bệnh để phân luồng, điều trị; thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh trong khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19; tăng cường công tác truyền thông cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và ngay cả nhân viên y tế trong bệnh viện.
Về công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, theo tiến sĩ Văn Quang Tân, bệnh viện chăm sóc, điều trị theo sát thể trạng từng người bệnh, do đó các bác sĩ, điều dưỡng làm chủ được phác đồ điều trị trong các trường hợp tiên lượng xấu. Mặc dù có những thời điểm bệnh nhân dồn dập nhưng cán bộ, nhân viên y tế vẫn chủ động thu dung, tiếp nhận điều trị nhanh chóng, kịp thời, đạt hiệu quả. Trong đợt dịch lần thứ 4, bệnh viện đã hoàn thành điều trị 73 bệnh nhân.
Điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng
Tiến sĩ Văn Quang Tân cho biết thêm, hiện bệnh Covid-19 chưa có thuốc đặc hiệu nên chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Bệnh viện thường xuyên hội chẩn với cơ sở điều trị tuyến trên để hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. Người bệnh Covid-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ nhiễm không có triệu chứng, tới những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong. Triệu chứng hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số trường hợp đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Hầu hết người bệnh (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần.
Tuy nhiên, một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Khoảng gần 20% số bệnh nhân diễn biến nặng, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 7 - 8 ngày. Các biểu hiện nặng bao gồm: Viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện; trong đó khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái...), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận, cơ tim, dẫn đến tử vong.
Cũng theo tiến sĩ Văn Quang Tân, tử vong xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo. Ở người lớn, các yếu tố tiên lượng tăng nguy cơ tử vong là tuổi cao, điểm suy đa tạng SOFA cao khi nhập viện và nồng độ D-dimer>1 mg/L. Thời kỳ hồi phục, sau giai đoạn toàn phát 7 - 10 ngày, bệnh nhân sẽ hết sốt và hết các dấu hiệu lâm sàng, dần trở lại bình thường và khỏi bệnh. Chưa có bằng chứng khác biệt về các biểu hiện lâm sàng của Covid-19 ở phụ nữ mang thai. Ở trẻ em, đa số trẻ mắc Covid-19 có các biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn người lớn, hoặc không có triệu chứng.
KIM HÀ