Trẻ em là đối tượng đặc biệt nên khi triển khai chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid -19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tỉnh không chạy theo số lượng mà “tiêm mũi nào, chắc mũi đó”. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, trong ngày đầu tiên tỉnh tổ chức tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho học sinh (HS) lớp 6 (dưới 12 tuổi), phụ huynh HS an tâm, phấn khởi đưa trẻ đi tiêm.
Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho HS lớp 6 tại trường THCS Chu Văn An, TP.Thủ Dầu Một
Chuẩn bị chu đáo
Trong ngày 17-4, tại điểm tiêm trường THCS Chu Văn An, TP.Thủ Dầu Một, công tác chuẩn bị tiêm vắc xin diễn ra từ rất sớm cho 107 HS thuộc khối lớp 6. Tại đây, công tác tiêm chủng diễn ra an toàn, nhanh chóng, HS phấn khởi đi tiêm đạt 100%. Các khu vực tiếp đón, khám sàng lọc, tiêm vắc xin được nhà trường bố trí rộng rãi, thoáng mát. Những HS chưa đủ điều kiện tham gia tiêm chủng trong đợt này sẽ được hướng dẫn tham gia tiêm lần sau. HS đủ điều kiện tiêm đợt này là các em HS lớp 6, từ 11 tuổi đến 11 tuổi 10 tháng tính theo sinh nhật, không mắc Covid-19 hoặc mắc Covid-19 và đã khỏi 3 tháng.
Vắc xin được sử dụng tiêm cho trẻ là vắc xin Moderna, liều lượng là 0,25ml/trẻ. 28 ngày sau, trẻ sẽ được tiêm mũi 2. Trong đợt này, TP.Thủ Dầu Một tổ chức 2 điểm tiêm cho 254 HS ở 2 điểm trường THCS Chu Văn An và Nguyễn Thị Minh Khai. Anh Phan Thuận Thảo, ở phường Hiệp Thành đưa con lớp 6 đi tiêm cho biết: “Gia đình tôi có 6 người, chỉ còn mỗi con trai 11 tuổi là chưa tiêm vắc xin nên khi được nhà trường thông báo tiêm vắc xin tôi đồng ý ngay. Tôi tin tưởng, an tâm đưa con đi tiêm khi nhà trường có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng trước khi tiêm”.
Trong khi đó, huyện Dầu Tiếng cũng tổ chức tiêm vắc xin cho 80 HS khối lớp 6 tại điểm trường THPT Thanh Tuyền. Em Nguyễn Hữu Trung, HS lớp 6A1 cho biết: “Trước khi đi tiêm em hơi lo sợ. Nhưng được thầy cô, bác sĩ động viên nên em yên tâm. Mũi tiêm hơi đau nhưng giờ thì đã bình thường”. Thầy Bùi Đình Đồng, Hiệu trưởng trường THPT Thanh Tuyền cho biết: “Để bảo đảm an toàn tiêm chủng cho HS, nhà trường đã bố trí các khu vực theo đúng quy trình một chiều từ tiếp đón, khám sàng lọc, tiêm và theo dõi sau tiêm; chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu, đội phản ứng nhanh, xe cấp cứu... Trong quá trình tiêm, cán bộ y tế đã tư vấn cẩn thận cho phụ huynh và các em HS về loại vắc xin sử dụng, liều lượng và cách theo dõi sức khỏe và chế độ dinh dưỡng sau tiêm. Đặc biệt, cán bộ y tế cũng hướng dẫn các phụ huynh nếu thấy trẻ có phản ứng bất thường về sức khỏe cần liên hệ với cán bộ y tế hoặc đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được xử lý kịp thời”.
An toàn trong từng mũi tiêm
Với những kinh nghiệm trong công tác tiêm chủng, sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về chuyên môn lẫn tổ chức, trong đợt tiêm cho HS dưới 12 tuổi, Bình Dương đặt ra mục tiêu không chạy theo số lượng mà chú trọng an toàn trong từng mũi tiêm. Ngành y tế mong muốn phụ huynh HS đồng thuận, đưa con em tới các điểm tiêm chủng lưu động để thực hiện tiêm chủng đầy đủ và sớm nhất.
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, đây là ngày đầu tiên tỉnh tổ chức đồng loạt chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, ngành y tế lựa chọn tiêm cho trẻ là HS lớp 6 trước, sau đó hạ dần độ tuổi. Để bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tiêm vắc xin ngừa Covid-19, ngành y tế đã tập huấn cho 100% nhân lực y tế tham gia tiêm chủng về chuyên môn bảo đảm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đội cấp cứu, đội tiêm có kinh nghiệm, chuyên môn kỹ thuật tốt nhất sẽ được điều động cho các địa bàn xa trung tâm, vùng xa bảo đảm an toàn tiêm chủng ở mức độ cao nhất. Hiện ngành y tế tiếp tục phối hợp các đơn vị, địa phương vận động tuyên truyền, nâng cao hơn nữa tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, trẻ em là đối tượng đặc biệt nên việc tổ chức tiêm phải thật sự kỹ lưỡng, cẩn thận với tinh thần “tiêm mũi nào, chắc mũi đó”. Ngành y tế và các địa phương dành những điều kiện tốt nhất để tiêm cho trẻ em, từ việc lựa chọn đội tiêm trình độ chuyên môn cao nhất, đội cấp cứu có kinh nghiệm tốt nhất, cũng như trang bị đầy đủ trang thiết bị, hóa chất, vật tư, thuốc men để bảo đảm an toàn. Khi bảo đảm an toàn tuyệt đối thì mới tiêm chủng, chứ không chạy theo số lượng. Ở những địa bàn vùng xa thì càng phải tăng cường đội tiêm, đội cấp cứu, trang thiết bị đầy đủ nhất, tốt nhất để tiêm phòng cho trẻ em. Ngoài việc tư vấn khám sàng lọc kỹ cho từng em, ngành y tế, các địa phương cần chăm lo cho các em về tâm lý, chuẩn bị sức khỏe trước khi đến tiêm, quan tâm theo dõi sau tiêm. Các đội tiêm được tập huấn kỹ lưỡng nhằm tổ chức tiêm tốt nhất để trẻ được an toàn, thoải mái, phụ huynh an tâm”.
HOÀNG LINH