* Hồ Dầu Tiếng xả lũ 100m3/giây
* Nhiều tuyến hẻm chìm trong nước
(BDO) Sáng 16-10, bà Nguyễn Thị Tuyến, Giám đốc Đài khí tượng Thủy văn Bình Dương cho biết, do ảnh hưởng bởi dải hội tụ nhiệt đới có trục 13-15 độ vĩ Bắc, nối với vùng áp thấp trên khu vực giữa Biển Đông, kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh dần, nên trong 24 giờ qua khu vực tỉnh Bình Dương có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có nơi mưa rất to.
Người dân tuyến hẻm 3, đường An Thạnh 10, phường An Thạnh, TP.Thuận An dùng xuồng di chuyển đồ dùng ra ngoài vùng bị nước cô lập vào sáng 16-10
Cụ thể, trong chiều tối 15-10, cơn mưa kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, lượng mưa đo được tại An Phú (TP.Thuận An) đạt từ 53mm đến 132,6mm. Tại TP.Thủ Dầu Một, khu vực cảng Bà Lụa 50,7mm, ngã tư Sở Sao đạt 86,2 mm và TP.Tân Uyên 70,0mm…
Trên sông Sài Gòn, đỉnh triều cao nhất xuất hiện lúc 20 giờ 25 phút tối 15-10 là 1,67 m, vào lúc 6 giờ sáng 16-10 đạt 1,66m, vượt mức báo động III là 0,7 m.
Do mưa rất to tại thời điểm triều cường đạt đỉnh, kết hợp Hồ Dầu Tiếng xả lũ với lưu lượng 100m3/s đã gây ngập nặng một số khu vực ven sông Sài Gòn thuộc TP.Thủ Dầu Một và TP.Thuận An.
Nhiều tuyến hẻm ở phường An Thạnh, TP.Thuận An vẫn bị nước cô lập đến 9 giờ sáng 16-10
Người dân kê những vật dụng cần thiết lên để đỡ thiệt hại.
Dự báo, từ ngày 16 đến 18-10, thời tiết khu vực tỉnh Bình Dương mưa vẫn còn xảy ra trên diện rộng, mực nước triều cường sẽ đạt đỉnh trong thời gian buổi sáng từ 6 giờ 30 – 8 giờ 30, buổi tối từ 19 giờ - 21 giờ.
Trong thời gian này, người dân nên tránh những tuyến đường thường xuyên bị ngập, phòng tránh những tai nạn nguy hiểm có thể xảy ra.
Nước cô lập nhiều tuyến hẻm
* Tính đến 9 giờ ngày 16-10, các tuyến hẻm thuộc đường An Thạnh 10, đường Hồ Văn Mên và các tuyến đường khác thuộc khu phố Thạnh Lộc, phường An Thạnh và các ấp thuộc xã An Sơn, TP.Thuận An vẫn bị nước cô lập. Nhiều người dân đã dùng ghe, xuồng di chuyển người già, trẻ em ra đường và đi học trong buổi sáng nay.
Mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập nặng một số tuyến đường ở TP.Thủ Dầu Một
Theo người dân, nhiều hoa màu, tài sản, đồ dùng cá nhân bị thiệt hại nặng nề. Nhiều người đã xin nghỉ làm việc trong sáng nay để dọn dẹp nhà cửa, đồ dùng. Nhiều cháu học sinh cũng xin nghỉ học do đồ dùng bị hư hỏng.
Bà Hồ Thị Mỹ Tâm, ngụ khu phố Thạnh Lộc cho biết, “nhà tôi ngập sâu hơn 1 mét. Do bất ngờ nên tài sản của gia đình tôi bị hư hỏng nặng”.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài những vật dụng trong nhà hư hỏng, nhiều hộ dân đã di tản đến nhà người thân ở tạm vì nước ngập sâu hơn 1 mét, không có chỗ ngủ và vệ sinh cá nhân.
* Sáng 16-10, lãnh đạo Thành ủy Thuận An đã chỉ đạo Ban chỉ đạo Phòng chống Thiên tai TP.Thuận An xuống hiện trường khảo sát tại 2 cầu bị sập ở phường Vĩnh Phú và các tuyến hẻm ngập nặng thuộc phường An Thạnh và xã An Sơn nhằm có giải pháp khắc phục.
Trước mắt, các lực lượng Phòng chống Thiên tai TP.Thuận An sẽ tổ chức các đoàn gia cố bờ bao, nhất là các tuyến bị vỡ. Sau đó, cho các máy bơm nước ra ngoài, giúp dân ổn định cuộc sống.
Trước đó, đêm 15-10, Thành ủy, UBND thành phố đã đã chỉ đạo các lực lượng vào cuộc giúp dân di dời đồ đạc.
DUY KHANG-HỒ VĂN