Trên địa bàn tỉnh, Hàn Quốc đã đầu tư 756 dự án với tổng số vốn 3,2 tỷ USD, chiếm gần 5% tổng vốn đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam. Với lợi thế về đất đai, giao thông, thủ tục hành chính đơn giản, nhanh gọn, Bình Dương tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.
Bình Dương đang thực hiện nhiều biện pháp thu hút đối tác chiến lược Hàn Quốc đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh với quy hoạch, chính sách ưu đãi rõ ràng, thuận lợi. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH NTI Vina
Nỗ lực phát triển
Trong năm 2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, song Bình Dương vẫn nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 6,78%; GRDP bình quân đầu người đạt 150 triệu đồng/năm (tương đương 6.500 USD); cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục dịch chuyển tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, duy trì và nâng cao giá trị nông nghiệp một cách hợp lý; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 27,44 tỷ USD (tăng 8,5%); kim ngạch nhập khẩu ước đạt 21,46 tỷ USD (tăng 7,5%); thặng dư thương mại của tỉnh năm 2020 đạt gần 6 tỷ USD.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2020, tỉnh đã thu hút được hơn 1,73 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Lũy kế đến nay, Bình Dương đã thu hút được 3.913 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 35,3 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong số các nước đầu tư tại Bình Dương, Hàn Quốc đứng thứ 5 với 756 dự án, tổng số vốn trên 3,2 tỷ USD, chiếm 12,1% tổng vốn FDI của tỉnh. Những dự án của Hàn Quốc có vốn đầu tư lớn tại Bình Dương hiện nay là Công ty TNHH lốp Kumho Việt Nam, đầu tư 128,3 triệu USD để sản xuất vỏ xe ô tô; Công ty TNHH DCT Partners Việt Nam đầu tư dự án khách sạn, trung tâm thương mại, chung cư cao tầng với tổng vốn 100 triệu USD; Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina đầu tư sản xuất bánh kẹo với tổng vốn 60 triệu USD; Tập đoàn Lotte đầu tư trung tâm thương mại 40 triệu USD. ..
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hàn Quốc là quốc gia đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với hơn 8.500 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 70,2 tỷ USD. Nếu so sánh với số liệu cả nước, số vốn FDI Hàn Quốc mà Bình Dương thu hút được vẫn còn nhỏ. Mới đây, tại buổi đối thoại giữa Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Park Noh Wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, làn sóng đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam bị chững lại trong những tháng qua do dịch bệnh Covid-19. Với Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đầu tư sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, cùng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng tới, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ sớm sôi động trở lại.
Ưu đãi, thuận lợi
Nắm bắt cơ hội, kích cầu vốn đầu tư từ thị trường tiềm năng này, vừa qua, hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư Hàn Quốc do Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc Kita, Trung tâm Hỗ trợ DN vùng Gyoenggi-do phối hợp cùng Tổng Công ty Becamex IDC đã được tổ chức. Hội nghị thu hút sự tham gia của khoảng 100 tập đoàn, DN của Hàn Quốc. Chương trình hội nghị nhằm giới thiệu với các nhà đầu tư từ xứ sở kim chi những tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ chế, chính sách thu hút DN đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Qua đó kết nối, xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền tỉnh Bình Dương, Tổng Công ty Becamex IDC với các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, tỉnh luôn ghi nhận sự nỗ lực của cộng đồng DN Hàn Quốc đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của tỉnh. Hiện Bình Dương đang ưu tiên thu hút đầu tư trên lĩnh vực công nghệ cao, hạn chế tối đa, dần đi đến chấm dứt thu hút các dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường.
Ông Cho Han-Deog, Giám đốc quốc gia văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam đã nhận định, Bình Dương là một trong các địa phương có tốc độ phát triển nhất Việt Nam. Đặc biệt cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ, Bình Dương đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, trong đó có Hàn Quốc. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh, Bình Dương cũng đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường. Do đó, đối với vấn đềxửlýchất thải đô thị, giảm thiểu tác động từ ô nhiễm môi trường, KOICA mong muốn hỗtrợBình Dương thực hiện một dựán xửlýchất thải đểsản xuất điện năng. Dựkiến, KOICA sẽphối hợp với Công ty Samsung Engineering đểthực hiện dựán xửlýchất thải đô thịtheo hình thức đối tác công tư (PPP).
Mấu chốt quan trọng để Bình Dương thúc đẩy thu hút đầu tư từ thị trường trọng điểm Hàn Quốc là chính sách phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tới sẽ tập trung vào các ngành và lĩnh vực mà nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm, bao gồm công nghiệp chế biến, chế tạo, có hàm lượng công nghệ cao như điện tử, hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng, vận tải kho bãi, thương mại, tài chính... Theo đó, tỉnh đang thực hiện nhiều biện pháp thu hút đối tác chiến lược Hàn Quốc đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh với quy hoạch, chính sách ưu đãi rõ ràng, thuận lợi cho DN.
NGỌC THANH