Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung tay đồng lòng của người dân mà đặc biệt là ngành y tế - tuyến đầu chống dịch đã giúp Bình Dương cơ bản khống chế được làn sóng dịch bệnh thứ 4. Trong trạng thái “bình thường mới”, các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và từng người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để giữ vững thành quả chống dịch và bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội.
Khách hàng, người lao động được đo nhiệt độ, sát khuẩn, quét mã QR trước khi vào Công ty TNHH Sài Gòn Stec, TP.Thủ Dầu Một
Tiếp tục thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế
Để kiểm soát tình hình dịch bệnh, nhiều giải pháp đã và đang được tỉnh triển khai đồng bộ để đưa cuộc sống người dân trở về trạng thái “bình thường mới”. Trong bối cảnh hiện nay, mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tiếp tục thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế, trong đó thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang và bảo đảm giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người xung quanh; cài đặt sổ sức khỏe điện tử, phần mềm ứng dụng PC Covid-19 trên điện thoại thông minh, thực hiện khai báo y tế và xuất trình mã QR cá nhân khi có yêu cầu. Người dân cần chủ động liên hệ với chính quyền địa phương hoặc trạm y tế nơi cư trú để được tiêm vắc xin ngừa Covid-19; tự theo dõi sức khỏe khi có các triệu chứng về hô hấp như sốt, ho, khó thở, mất vị giác. Người dân cần thông báo ngay cho trạm y tế gần nhất để được hướng dẫn khám bệnh an toàn và thực hiện phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Hiện nay, các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội đã thực hiện trên toàn tỉnh. Người dân cần tiếp tục chủ động và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không lơ là chủ quan và chỉ di chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh khi thật cần thiết. Người dân từ các địa phương khác đến tỉnh Bình Dương cần thực hiện khai báo y tế và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh của tỉnh. Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để đưa cuộc sống trở về trạng thái “bình thường mới”.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Hiện nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể tiếp tục có ca mắc trong cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh cả nước thực hiện mục tiêu kép. Do đó, các địa phương tiếp tục tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, các sở, ngành, địa phương cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi. Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp xác lập tình trạng bình thường mới, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở”.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Tinh thần mở cửa, làm ăn kinh doanh nhưng không được chủ quan, lơ là”. Các ngành, các cấp phải chủ động chuẩn bị các phương án ứng phó tình huống xảy ra của dịch bệnh của từng cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp có lực lượng lao động lớn và các khu dân cư. Tổ Covid cộng đồng tại khu dân cư, khu nhà trọ cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp ứng phó với tình huống xảy ra dịch bệnh.
Người dân tích cực tham gia tiêm vắc xin ngừa Covid-19
Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, việc được tiêm vắc xin với người dân là niềm vui lớn, giúp họ an tâm hơn trong cuộc sống hàng ngày và nỗ lực vượt qua thời gian khó khăn. Tính đến sáng 5-11, toàn tỉnh đãtiêm được 3.971.525 liều vắc xin ngừa Covid-19 trên tổng số5.381.390 liều được BộY tế phân bổ. Trong số này có 2.361.885 người tiêm mũi 1 và 1.609.640 người tiêm mũi 2. Riêng trẻ em từ 15 - 17 tuổi, toàn tỉnh cũng đã tiêm được 70.791 liều.
Để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho tất cả người dân khi cuộc sống trở về trạng thái “bình thường mới”, ngoài việc tuân thủ quy định “5K” và các khuyến cáo của Bộ Y tế, tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu giúp bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trước đại dịch Covid-19. Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 là quyền lợi với bản thân, là trách nhiệm với cộng đồng. Tất cả người dân đang sinh sống trên địa bàn tỉnh nếu chưa tiêm vắc xin ngừa Covid-19 hãy liên hệ ngay với trạm y tế gần nhất để được tiêm vắc xin kịp thời.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, như các loại vắc xin khác, vắc xin ngừa Covid-19 không bảo vệ tuyệt đối cho người đã tiêm. Điều này có nghĩa là khi đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19, người tiêm vẫn có thể mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác. Vì vậy, những người đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 vẫn cần thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và các khuyến cáo khác của ngành y tế để phòng tránh dịch bệnh cho bản thân, bảo vệ sức khỏe của người thân, gia đình và cộng đồng. Vắc xin cũng được đánh giá là biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả và lâu dài, đồng thời giúp giảm tỷ lệ số ca mắc bệnh phải nhập viện và tử vong do Covid-19. Đến nay, đãcó nhiều nghiên cứu chứng minh các vắc xin ngừa Covid-19 được cấp phép sử dụng trên thế giới có hiệu quả ngăn ngừa đáng kể số ca bệnh nặng, nhập viện và tử vong.
HOÀNG LINH - GIANG NHUNG