Xuất, nhập khẩu của Bình Dương :

Tiếp tục tạo bước đột phá

Cập nhật: 10-01-2017 | 11:41:35

Thực hiện Chiến lược xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, hoạt động XNK của tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Điểm nổi bật là tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK của tỉnh tăng cao qua các năm, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Kim ngạch XK tăng trưởng cao

Trong giai đoạn 2011-2015, XNK của Bình Dương đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp, với điểm nổi bật là tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK tăng cao qua các năm. Riêng năm 2015, XK của tỉnh đạt trên 21,6 tỷ USD, tăng gấp 2,06 lần so với năm 2011; NK đạt 17,516 tỷ USD, tăng 1,92 lần so với năm 2011. Cơ cấu mặt hàng XK có sự chuyển dịch theo chiều hướng tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011- 2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh. Điểm đáng chú ý, các mặt hàng chủ lực có quy mô XK lớn của tỉnh như dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị, phụ tùng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định; đồng thời đã phát triển thêm nhiều mặt hàng XK mới thuộc nhóm công nghệ như điện thoại di động, máy vi tính, thiết bị điện tử, đặc biệt là sản phẩm nông sản chất lượng cao.

 

Năm 2016, kim ngạch XK của tỉnh đạt gần 24,333 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm 2015. Mục tiêu phát triển XNK hàng hóa giai đoạn 2016-2020 của tỉnh là tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của XK là 15%/năm, đến năm 2020 kim ngạch XK đạt 42,240 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng bình quân NK hàng năm là 15,5%, đến năm 2020 kim ngạch NK là 35,552 tỷ USD. Xuất siêu của tỉnh đến năm 2020 đạt gần 6,689 tỷ USD.

Ông Kitagaki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Omron Healthcare Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II), cho biết công ty chuyên sản xuất máy đo huyết áp, máy xông mũi họng, XK đến hơn 170 quốc gia trên thế giới. 9 năm qua, tổng số máy đo huyết áp công ty sản xuất được khoảng 35 triệu máy. Trong 3 năm trở lại đây, tổng sản xuất của công ty tăng gấp đôi so với 3 năm trước đó. Riêng trong năm 2016, công ty đạt doanh thu 100 triệu USD. Năm 2017, XK của công ty dự tính sẽ tăng 30% so với năm 2016, do nhu cầu mặt hàng máy đo huyết áp trên toàn cầu đang tăng.

Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần may mặc Bình Dương. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Đại diện lãnh đạo Sở Công thương cho biết trong những năm qua, thị trường XK của các doanh nghiệp trong tỉnh được mở rộng và phát triển mạnh. Các chương trình trình xúc tiến thương mại, khuyến công, khuyến nông, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh đã phát huy hiệu quả; các sản phẩm XK của Bình Dương như đồ gỗ, gốm sứ, dệt may, giày dép, điện tử… đã và đang được đánh giá cao trên thương trường quốc tế. Những thương hiệu nổi tiếng, có uy tín của Bình Dương như gốm sứ Minh Long, gỗ Hiệp Long, cao su Dầu Tiếng… nhiều năm liền đạt được danh hiệu Doanh nghiệp XK uy tín do Bộ Công thương phong tặng và được nhiều đối tác nước ngoài biết đến. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng các khucụm công nghiệp, mạng lưới giao thông và dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh cũng phát triển mạnh, đã và đang hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp trong sản xuất, phân phối và XNK hàng hóa. Riêng ngành công nghiệp hỗ trợ cho hàng hóa XK cũng được tỉnh quy hoạch, xây dựng và phát triển theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, nhằm giúp các doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa XK. Cùng với đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia đã và đang tạo ra nhiều cơ hội mở rộng thị trường XK cho hàng hóa trong nước và có tác động tích cực, quan trọng đối với việc thúc đẩy tăng trưởng XK; đồng thời là động lực thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Bình Dương.

Tiếp tục mở rộng thị trường

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động XNK của Bình Dương thời gian qua vẫn còn những hạn chế cần được giải quyết một cách đồng bộ và có hiệu quả. Cụ thể, tỷ lệ hàng hóa XK qua chế biến tuy đã được cải thiện nhưng một số mặt hàng như sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép, hàng nông sản… đa số còn làm gia công và chưa có đội ngũ thiết kế sản phẩm, do đó khó xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm XK nên giá trị gia tăng thấp. Bên cạnh đó, những mặt hàng XK chủ lực của tỉnh như sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép còn phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu NK (chiếm từ 50 - 65%), do đó dễ bị ảnh hưởng trước biến động về giá cả và tình trạng khan hiếm nguyên liệu của thị trường nguyên liệu thế giới.

Cùng với đó, việc sử dụng hàng rào kỹ thuật và những biện pháp phòng vệ thương mại của các nước NK như thuế chống bán phá giá, biện pháp tự vệ, trợ cấp ngày càng phổ biến. Điều đáng nói, việc phối hợp khởi kiện và kháng kiện của cơ quan Nhà nước với hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong nước cũng như trong tỉnh chưa được thực hiện hiệu quả… Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, tuy đã được quy hoạch phát triển nhưng hiện vẫn còn thiếu các cơ chế ưu tiên, hỗ trợ nên chưa đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp để đầu tư phát triển. Hạn chế nữa là, tính liên kết, kết nối giữa các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp sản xuất XK chưa cao, từ đó gây khó khăn về cho đầu ra của sản phẩm trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo đại diện lãnh đạo Sở Công thương, trong giai đoạn mới, Bình Dương tiếp tục xây dựng, triển khai thực hiện Đề án tăng hàm lượng tri thức trong sản phẩm XK trên 10% trong giai đoạn 2016-2020, Đề án tăng tỷ trọng hàm lượng công nghệ đối với những sản phẩm, dịch vụ chủ yếu của tỉnh trên 20% trong giai đoạn 2016-2020, Đề án tăng tỷ trọng hàm lượng nguyên vật liệu nội địa trong sản phẩm XK tăng trên 20% giai đoạn 2011-2016; cùng với đó là Đề án phát triển cụm liên kết xuất khẩu các ngành công nghiệp cơ khí, dệt may, da giầy và đồ gỗ theo Quyết định số 4842/QĐ-BCT ngày 9-12-2016 của Bộ Công thương.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh đẩy mạnh thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường XK nhằm đa dạng hóa thị trường tiêu thụ hàng hóa; đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa tại các thị trường truyền thống, tạo bước đột phá mở rộng các thị trường XK mới có tiềm năng. Bình Dương cũng sẽ thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics để hỗ trợ XK; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là đối với ngành thuế và hải quan nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, XNK và thu - hoàn thuế của doanh nghiệp...

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=374
Quay lên trên