Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở Worcester, Massachusetts, Mỹ.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 1/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 436.851.964 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.974.340 ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là 367.916.328 người, trong khi vẫn còn 74.857 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận 80.628.978 ca mắc và 974.873 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới - 42.930.015 ca. Tuy nhiên, Brazil có số ca tử vong cao thứ hai thế giới - 649.443 ca.
Trong 10 quốc gia có số ca mắc cao nhất, 7 quốc gia còn lại là các nước châu Âu, gồm Pháp (22.702.815 ca), Anh (18.804.765 ca), Nga (16.398.036 ca), tiếp đó là Đức và Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt là 14.824.148 ca và 14.089.456 ca, Italy ghi nhận 12.782.836 ca và Tây Ban Nha có 10.977.524 ca.
Trong bối cảnh số ca mắc có xu hướng giảm mạnh tại Pháp, các quy định và hạn chế y tế ở nước này đang dần được nới lỏng. Bắt đầu từ tuần này, khi đến những nơi công cộng như viện bảo tàng, rạp chiếu phim hay nhà hàng, quán bar, khách hàng chỉ cần trình chứng nhận tiêm chủng mà không cần phải đeo khẩu trang. Đeo khẩu trang chỉ còn là quy định bắt buộc đối với hành khách sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Kể từ ngày 1/3, nếu người đã tiêm chủng đầy đủ tiếp xúc với người bệnh, chỉ cần thực hiện 1 lần xét nghiệm 2 ngày sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, thay vì 3 lần trước đây.
Với các trường học nằm trong vùng an toàn hoặc ở các khu vực kiểm soát tốt dịch bệnh, học sinh có thể bỏ khẩu trang trong giờ ra chơi và tham gia các hoạt động tập thể. Trường hợp trẻ có tiếp xúc với người bệnh, sẽ chỉ cần tự xét nghiệm một lần sau 2 ngày tiếp xúc. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, trẻ có thể đến trường học như bình thường.
Theo số liệu của Cơ quan quản lý y tế Pháp, 54,19 triệu người Pháp đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, chiếm 80,4% dân số, 53,21 triệu người được tiêm chủng đầy đủ hai mũi (78,9%) và 38,92 triệu người đã tiêm nhắc lại liều thứ ba.
Từ ngày 1/3, Nhật Bản bắt đầu cho phép người nước ngoài nhập cảnh với mục đích không phải du lịch - lần đầu tiên kể từ cuối tháng 11 năm ngoái.
Thống kê của cơ quan chức năng Nhật Bản cho thấy số lượng người không thể nhập cảnh Nhật Bản do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua là khoảng 400.000 người. Sau khi mở cửa trở lại sẽ cần một khoảng thời gian nhất định đầu tháng 3 để xử lý khối lượng đơn xin nhập cảnh rất lớn, đặc biệt là đối với thực tập sinh và du học sinh.
Về thời gian cách ly, quy định của Bộ Ngoại giao Nhật Bản nêu rõ người đến từ các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ ngoài diện chỉ định, đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ 3 sẽ không phải thực hiện bất cứ biện pháp cách ly nào sau khi nhập cảnh. Trong trường hợp chưa tiêm mũi thứ 3 thì về nguyên tắc tự cách ly trong 7 ngày tại nhà.
Nếu đến ngày thứ 3 kể từ khi nhập cảnh, kết quả tự xét nghiệm PCR là âm tính sẽ không phải tiếp tục cách ly số ngày còn lại. Trong khi đó, người nhập cảnh đến từ các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trong diện chỉ định nhưng đã được tiêm 3 mũi vaccine ngừa COVID-19 thì chỉ phải tự cách ly 7 ngày tại nhà.
Ngày 28/2, Chính phủ Cộng hòa Congo thông báo dỡ bỏ lệnh giới nghiêm, có hiệu lực ở hai thành phố lớn nhất của nước này là Brazzaville và Pointe-Noire, cũng như việc mở lại biên giới trên sông và đất liền, sau khi ghi nhận dịch bệnh giảm đáng kể.
Trong 2 năm qua, việc vượt sông Congo giữa Brazzaville và thủ đô Kinshasa của Cộng hòa Dân chủ Congo phải được cấp phép đặc biệt.
Với việc nới lỏng hạn chế, các câu lạc bộ đêm và địa điểm giải trí khép kín khác được mở cửa trở lại, tuy nhiên khách hàng cần xuất trình chứng nhận tiêm chủng. Ngoài nối lại hoàn toàn các hoạt động thể thao và quần chúng, CH Congo cũng bãi bỏ quy định bắt buộc xét nghiệm tại các sân bay khi vào lãnh thổ nước này.
Bộ Y tế Cuba cùng ngày cho biết nước này đánh dấu ngày thứ 5 liên tiếp không có ca tử vong nào do COVID-19, theo đó số ca tử vong do bệnh này vẫn ở mức 8.494 ca. Trong vòng 24 giờ qua, đảo quốc Caribe này ghi nhận thêm 475 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay lên 1.069.862 người.
Trong những tuần gần đây, các chỉ số dịch tễ học chính thức trùng khớp với dự báo của các chuyên gia Cuba, phản ánh xu hướng giảm các ca mắc mới COVID-19 trong đợt bùng phát hiện tại do biến thể Omicron.
Chính phủ Cuba nhận định yếu tố lớn nhất đóng góp vào thành công của nước này trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 tính tới thời điểm hiện tại là các vaccine do Cuba tự sản xuất, gồm Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus, cùng chiến lược đẩy mạnh tiêm chủng rộng rãi ngay khi các vaccine này được thử nghiệm thành công và được cấp phép sử dụng khẩn cấp trong nước.
Tổng cộng 9,8 triệu người trong dân số 11,2 triệu người của Cuba đã được tiêm chủng đầy đủ ngừa COVID-19, trong khi 5,9 triệu người đã được tiêm liều thứ tư./.
Theo TTXVN