Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính đến 8h sáng 28/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 481.859.191 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.147.880 ca tử vong.
Hơn 416,28 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 59,42 triệu người chưa khỏi bệnh.
Indonesia ghi nhận 3.077 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 5.998.953 ca. Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng thêm 100 ca lên là 154.670 ca. Hơn 5,71 triệu bệnh nhân COVID-19 ở Indonesia đã hồi phục.
Chính phủ nước này đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng quốc gia nhằm khống chế đà lây lan của dịch bệnh. Đã có 195,88 triệu người Indonesia được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19, trong khi hơn 157,84 triệu người đã được tiêm mũi 2.
Với mục tiêu tiêm phòng cho toàn bộ 308,26 triệu dân, Chính phủ Indonesia đã tiêm được 373,69 triệu liều vaccine, trong đó có nhiều mũi tiêm tăng cường.
Myanmar ghi nhận tổng cộng 610.858 ca COVID-19, trong đó có 19.430 ca tử vong, 568.349 bệnh nhân đã hồi phục. Hơn 21,8 triệu người dân Myanmar đã được tiêm đủ các mũi cơ bản. Khi tỷ lệ mắc mới và tử vong vì COVID-19 đã giảm đáng kể, giới chức nước này đã tuyên bố nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế, mở cửa trở lại các rạp chiếu phim từ ngày 17/4.
Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi, châu lục này ghi nhận 2.422 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh tính đến đêm 27/3 lên 11.322.887 ca. Trong khi đó, số ca tử vong tại đây hiện ở mức 250.942 ca, 10.630.071 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục.
Nam Phi là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất tại châu Phi, với hơn 3,71 triệu ca, tiếp đến các nước Bắc Phi như Maroc và Tunisia với số ca mắc tương ứng là hơn 1.162.764 và hơn 1.033.762 ca.
Về số ca mắc theo khu vực, các nước phía Nam châu Phi ghi nhận nhiều ca mắc nhất, tiếp đó là các vùng phía Bắc và Đông của châu lục, Trung Phi là nơi ghi nhận ít ca mắc nhất.
Jordan thông báo nới lỏng các biện pháp phòng dịch, cho phép tụ tập trong không gián kín và ngoài trời dưới mọi hình thức, không yêu cầu đeo khẩu trang khi ở ngoài trời.
Các hoạt động cầu nguyện không phải giãn cách nhưng người tham gia phải đeo khẩu trang. Jordan ghi nhận 3.171 ca mắc mới trong ngày 27/3, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên là 1.692.485 ca, trong đó có 14.031 ca tử vong.
Hơn 4,73 triệu người tại nước này đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó hơn 4,43 triệu người được tiêm mũi 2 và 627.814 người được tiêm mũi 3.
Sau hơn 2 năm kể từ khi trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên tại Mỹ Latinh và Caribe được xác nhận ngày 25/2/2020 ở Brazil, khu vực này đang tìm cách chuyển sang trạng thái bình thường mới với việc đẩy nhanh khôi phục kinh tế. Tuy nhiên, các nước tại đây đang đứng trước nguy cơ là việc hạn chế các biện pháp an ninh y tế xuống mức tối thiểu có thể dẫn đến thất bại trong cuộc khủng hoảng y tế ở cấp độ toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, trả lời phỏng vấn báo El Universal, các chuyên gia nhất trí rằng giải pháp lý tưởng nhất là phát huy những kinh nghiệm thu được trong ứng phó với đại dịch COVID-19 mà không áp đặt quy định bắt buộc, chẳng hạn như duy trì việc đeo khẩu trang tại một số địa điểm.
Mục tiêu của biện pháp này là mô phỏng các cộng đồng đã quen sử dụng khẩu trang ngay cả trước khi đại dịch bùng phát để chống ô nhiễm môi trường và ngăn ngừa bệnh hô hấp.
Một biện pháp khác cần duy trì là rửa tay, một phương pháp đã chứng minh hiệu quả trong việc giảm bệnh tiêu chảy trên toàn thế giới trong 27 tháng qua.
Các chuyên gia cũng nhận định virus sẽ không biến mất mà trở thành bệnh dịch không thường xuyên hoặc theo mùa. Do đó, tiêm chủng sẽ là chìa khóa để sống chung với COVID-19 trong tương lai, trong đó các loại vaccine mạnh mẽ, hiệu quả hơn nhờ tiến bộ khoa học sẽ là vũ khí hữu hiệu nhất./.
Theo TTXVN