Hỏi: Hiện nay có rất nhiều hàng bị làm giả, làm nhái bán ra thị trường khiến người tiêu dùng mua lầm. Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, pháp luật quy định như thế nào tội sản xuất hay buôn bán hàng giả?
NGUYỄN VĂN MỸ (TX.Thuận An)
Trả lời: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là hành vi làm giả, buôn bán hàng giả. Hàng giả là sản phẩm hàng hóa giả về nội dung, nhưng có hình dáng giống như sản phẩm, hàng hóa được Nhà nước cho phép sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường, hoặc là sản phẩm hàng hóa không có giá trị sử dụng đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của nó.
Điều 156 Bộ luật Dân sự có quy định tội sản xuất, buôn bán hàng giả như sau:
Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại điều này hoặc tại một trong các Điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; thu lợi bất chính lớn hoặc đặc biệt lớn; gây hậu quả nghiêm trọng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Luật gia XUÂN LẠC