Du lịch đường sông ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Chính sách thị thực mới được quy định trong Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 15/8 là một trong những điều kiện thuận lợi để du lịch Việt Nam thu hút du khách quốc tế với thời gian lưu trú, trải nghiệm dài, chi tiêu nhiều hơn.
Vì vậy, nhiều địa phương, doanh nghiệp dịch vụ du lịch đang tăng cường hoàn thiện, bổ sung các sản phẩm, tạo sức hút mới với đa dạng các dòng du khách.
Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - những kết quả ấn tượng
Có nhiều ưu thế cho mùa du lịch cuối năm như khí hậu ổn định, ấm áp, nhiều địa phương ở khu vực Nam Bộ tập trung đổi mới, bổ sung sản phẩm thu hút du khách, đặc biệt là dòng khách du lịch quốc tế, sẵn sàng cho cho mùa cao điểm đón khách quốc tế (từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau).
Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong nửa đầu năm 2023 đã ghi nhận kết quả ấn tượng với trên 18,3 triệu du khách trong nước và quốc tế, tổng doanh thu đạt 80.833 tỷ đồng, tăng tới 62,7% so với cùng kỳ năm 2022, cao nhất cả nước.
Phát huy kết quả này, ngành du lịch thành phố phương Nam sôi động tăng tốc tạo thêm nhiều sự kiện, điểm nhấn, sản phẩm mới hấp dẫn du khách. Đặc biệt, ngày 4-6/8, Lễ hội sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ Nhất được tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc như: biểu diễn thực cảnh “Sài Gòn - dòng sông kể chuyện,” các không gian trên bến dưới thuyền tại Quận 1, Quận 8 giới thiệu đến người dân, du khách các loại hình nghệ thuật, đặc sản vùng miền, thi đấu, trình diễn một số môn thể thao dưới nước.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, xác định đổi mới, tạo sự hấp dẫn cho sản phẩm là yếu tố tiên quyết thu hút du khách, Thành phố đẩy mạnh xây dựng, khai thác sản phẩm mới theo hướng “Mỗi quận, huyện ít nhất một sản phẩm đặc trưng.”
Từng điểm đến được kết nối để tạo thành hành trình ấn tượng cho du khách. Mới đây, sản phẩm “Cù lao giữa lòng phố thị”ra mắt tại Quận 4, hoặc sản phẩm "Phố cưới hỏi - trầu cau Chợ lớn” tại Quận 6 đưa du khách tham quan, khám phá loạt điểm đến đậm bản sắc văn hóa, lịch sử và những cảnh quan đẹp, ấn tượng trên địa bàn.
Thời gian tới, du lịch Thành phố tiếp tục đẩy mạnh bổ sung, xây dựng mới nhiều sản phẩm, chương trình trải nghiệm theo hướng kết nối giữa các địa phương của Thành phố với các tỉnh, thành bạn như: tuyến kết nối khu vực phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam Bộ; các quận, huyện phía Tây, phía Nam Thành phố với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ góc độ doanh nghiệp lữ hành, đại diện Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist chia sẻ, thời hạn thị thực điện tử được nâng từ 30 lên 90 ngày là cơ hội để du lịch Việt Nam đẩy mạnh, thu hút khách quốc tế.
Nắm bắt cơ hội, Công ty chú trọng xây dựng, phát triển nhiều dòng sản phẩm nghỉ dưỡng dài ngày, tăng cường các trải nghiệm cho khách quốc tế trong thời gian lưu trú tại Việt Nam.
Doanh nghiệp làm mới nhiều chương trình du lịch; trong đó có các tuyến xuyên Việt, tuyến kết nối Việt Nam với Lào, Campuchia, Thái Lan bằng đường bộ, đường sông.
Cùng với đó, đơn vị tiếp tục khai thác hiệu quả dòng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường tàu biển, cung cấp cho du khách đa dạng các tour, tuyến, dịch vụ đẳng cấp, tham quan các danh lam thắng cảnh, khám phá nhiều nét văn hóa, ẩm thực Việt Nam đặc sắc.
Đa dạng sản phẩm, xúc tiến du lịch
Cùng ở Đông Nam Bộ, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển, Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế với nhiều nhiều hoạt động, sự kiện tạo điểm nhấn thu hút du khách diễn ra từ nay đến cuối năm.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu Nguyễn Thị Thu Hương, trên địa bàn, các sự kiện, lễ hội liên tục diễn ra, góp phần đa dạng sản phẩm, tạo sự liên kết kích cầu, xúc tiến du lịch của thành phố với các tỉnh, thành phố khác trong nước và quốc tế; đồng thời, kết hợp quảng bá các danh lam, thắng cảnh, điểm đến du lịch hấp dẫn của địa phương đã được vinh danh thành phố du lịch sạch ASEAN.
Một số sự kiện đáng chú ý như Giải Việt dã Báo Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2023 diễn ra ngày 26/8, Hội thi Hoa lan thành phố Vũng Tàu mở rộng năm 2023 vào dịp Quốc khánh 2/9, Ngày hội xe đạp “Vũng Tàu Cycling Festival” vào đầu tháng 10, Lễ hội Nghinh ông đình Thắng Tam và Lễ đón nhận danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia dự kiến từ ngày 1-3/10, Lễ hội Trùng Cửu Nhà lớn Long Sơn từ ngày 21-23/10, Giải chạy bộ “Vũng Tàu City Trail” dự kiến vào tháng 12, Chương trình “Noel-Sắc màu giáng sinh” vào ngày 24/12, Chương trình “Chào đón năm mới-Countdown” đón Tết Dương lịch vào tối 31/12.
Trong khi đó, Cà Mau - địa phương ở cực Nam đất nước đang tiếp tục phát huy lợi thế nhiều sản phẩm trải nghiệm gắn với du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, nhiều đặc sản gắn với sản xuất nông nghiệp. Tiếp nối các sự kiện thuộc chương trình “Cà Mau - điểm đến 2023,” Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến diễn ra từ ngày 13-16/12.
Các sự kiện kỳ vọng tạo thêm điểm nhấn, thu hút du khách, nhà đầu tư đến tham quan, trải nghiệm; đồng thời, tìm hiểu cơ hội hợp tác tác đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ đặc sản.
Thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết trong khuôn khổ sự kiện này, sẽ có nhiều hoạt động tham quan, giới thiệu các mô hình sản xuất, chế biến đặc sản, các hoạt động du lịch hấp dẫn, thể hiện rõ nét riêng của vùng đất cực Nam trên đất liền Tổ quốc, góp phần thu hút du khách, nhà đầu tư đến Cà Mau nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung./.
Theo TTXVN