Hỏi: Công ty chế biến gỗ nơi chị N. làm việc có nhiều công nhân đã làm việc nhiều năm nhưng nay bị công ty xử lý kỷ luật lao động sa thải mà không có lý do chính đáng, trong đó có chị. Nay chị muốn làm đơn khởi kiện công ty ra tòa án về việc công ty sa thải chị. Tuy nhiên, theo như chị được biết thì trước khi muốn khởi kiện công ty ra tòa thì phải tiến hành thủ tục hòa giải tranh chấp lao động trước. Chị N. hỏi trường hợp của chị có phải tiến hành thủ tục hòa giải trước khi khởi kiện hay không?
CHỊ HOÀNG MINH N. (TP.Thủ Dầu Một)
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động năm 2012 thì tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Căn cứ quy định trên, trường hợp chị muốn khởi kiện công ty về việc xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải đối với chị thì chị có quyền yêu cầu TAND cấp huyện nơi có trụ sở chính của công ty để giải quyết mà không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động.
Hỏi: Trước đây, anh Đ. làm công nhân cho một công ty nước ngoài tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore với thời hạn hợp đồng là 1 năm. Tháng 10-2014, giữa anh Đ. và công ty xảy ra mâu thuẫn về vấn đề tiền lương, do công ty không giải quyết thỏa đáng nên anh Đ. đã làm đơn xin nghỉ việc và được công ty đồng ý giải quyết. Tuy nhiên, đầu tháng 12-2014, sau khi công ty ký quyết định cho anh nghỉ việc lại không thanh toán tiền lương tháng 11- 2014 cho anh. Do thời gian này anh Đ. có việc riêng phải giải quyết nên không thể liên hệ công ty yêu cầu trả tiền lương được. Đầu tháng 5-2015, anh mới liên hệ yêu cầu công ty trả tiền lương nhưng công ty không thực hiện. Anh Đ. hỏi trường hợp của anh bây giờ tiến hành khởi kiện công ty có còn được không?
ANH TRẦN QUANG Đ. (TX.Dĩ An)
Trả lời: Trường hợp của anh là tranh chấp lao động cá nhân về việc công ty không trả lương cho người lao động nên theo quy định tại Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động năm 2012 thì tranh chấp lao động này phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết.
Theo Điều 202 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân thì:
Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 6 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Thời hiệu yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 1 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Căn cứ quy định trên, tháng 12-2014, công ty ký quyết định cho anh nghỉ việc nhưng không thanh toán tiền lương tháng làm việc tháng 11-2014 cho anh được xác định là thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của anh bị vi phạm, tính đến thời điểm tháng 5-2015 thì vẫn còn trong thời hạn 6 tháng để anh yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động giữa anh và công ty. Anh cần nhanh chóng làm đơn đề nghị hòa giải gửi đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi công ty này có trụ sở chính để được giải quyết.
SỞ TƯ PHÁP BÌNH DƯƠNG