Quyền của người lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Hỏi: Trong trường hợp người lao động có quyền từ chối công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà họ phát hiện có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì có bị coi là vi phạm kỷ luật lao động hay không?
Trần Lệ Thủy (Phú Chánh, TX.Tân Uyên)
Trả lời: Quy định tại khoản 2 Điều 140 Bộ luật Lao động (BLLĐ) thì người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình và phải báo ngay với người phụ trách trực tiếp. Theo đó, người sử dụng lao động không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc đó hoặc trở lại nơi làm việc đó nếu nguy cơ chưa được khắc phục.
Trách nhiệm của công đoàn đối với công đoàn viên
Hỏi: Tôi làm việc tại một công ty và trong công ty có thành lập công đoàn, nhưng tôi không biết trách nhiệm của công đoàn là làm gì vì tôi thấy việc thành lập công đoàn ở đây chỉ là hình thức.
Lê Khiêm (TX.Bến Cát)
Trả lời: Tại Điều 10 Luật Công đoàn có quy định về trách nhiệm của công đoàn đối với công đoàn viên như sau: Hướng dẫn, tư vấn cho người lao động (NLĐ) về quyền, nghĩa vụ của NLĐ khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ); đại diện cho tập thể NLĐ thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; tham gia với đơn vị SDLĐ xây dựng và giám sát việc thực hiện thang, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội dung lao động; đối thoại với đơn vị SDLĐ để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của NLĐ; tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật cho NLĐ; tham gia với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động; kiến nghị với tổ chức, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể NLĐ hoặc của NLĐ bị xâm phạm; đại diện cho tập thể NLĐ khởi kiện tại tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể NLĐ bị xâm hại, đại diện cho NLĐ khởi kiện tại tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ bị xâm phạm và được NLĐ ủy quyền; đại diện cho tập thể NLĐ tham gia tố tụng trong vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể NLĐ và NLĐ; tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng
Hỏi: Theo quy định của pháp luật, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách bị xử lý như thế nào?
Trần Văn Minh (huyện Bắc Tân Uyên)
Trả lời: Điều 55 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi phải chịu trách nhiệm liên đới về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì bị xử lý kỷ luật.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được xem xét miễn hoặc giảm trách nhiệm pháp lý nếu đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng; xử lý nghiêm minh, báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi tham nhũng.
Kết luận thanh tra, báo cáo kiểm toán, kết luận điều tra vụ việc, vụ án tham nhũng phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng theo các mức độ sau đây: Yếu kém về năng lực quản lý; thiếu trách nhiệm trong quản lý; bao che cho người có hành vi tham nhũng.
Kết luận, báo cáo phải được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quản lý cán bộ.
Luật gia XUÂN LẠC