Hỏi: Tôi làm kế toán cho một công ty trong Khu công nghiệp VSIP và có ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 2 năm với công ty. Tuần vừa rồi tôi có nhận được quyết định cho nghỉ việc của công ty với lý do tôi không chấp hành sự điều chuyển công việc của công ty. Tôi bất ngờ vì trong thời gian làm việc tại bộ phận kế toán, thì công ty chưa bao giờ bảo tôi phải điều chuyển sang bộ phận khác. Nay tôi muốn khởi kiện vụ việc tại tòa án nhưng hiện tại tôi không có giữ hợp đồng lao động mà lúc đầu tôi đã ký kết với công ty, vì thời điểm ký hợp đồng công ty không giao cho tôi bản hợp đồng lao động đó.
Vậy, tôi có đủ điều kiện để khởi kiện tại tòa án được không? Nếu đủ điều kiện để khởi kiện thì tôi phải khởi kiện ở tòa án nào?
Ông TRẦN VĂN N. (TX.Thuận An)
Trả lời: Điều 16 Bộ luật Lao động quy định: Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 2 bản, người lao động giữ 1 bản, người sử dụng lao động giữ 1 bản, trừ trường hợp đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng thì các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.
Như vậy, khi ký kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm giao cho người lao động 1 bản hợp đồng lao động đã ký. Việc không giao hợp đồng lao động đã ký với người lao động của công ty là vi phạm pháp luật.
Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về nghĩa vụ chứng minh thì: “Đương sự là người lao động trong vụ án lao động mà không cung cấp, giao nộp được cho tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho tòa án”.
Trong trường hợp phía công ty đang quản lý, lưu giữ hợp đồng lao động của bạn thì khi bạn làm thủ tục khởi kiện tại tòa án, bạn không cần cung cấp hợp đồng lao động đã ký với công ty mà tòa án sẽ yêu cầu phía công ty cung cấp khi thụ lý vụ án.
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động giữa bạn và công ty, theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 35 và Điểm a, Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì bạn nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở để được giải quyết.
Hỏi: Ba mẹ tôi đều đã chết năm 2003. Trước khi chết ba mẹ tôi có để lại quyền sử dụng đất và căn nhà thờ tổ nằm trên phần đất đó. Căn nhà và phần đất này hiện tại do người em trai út của tôi đứng tên và đang trực tiếp quản lý và sử dụng. Trong số 4 anh chị em tôi có một người tranh chấp phần đất nêu trên. Tuy nhiên, vừa rồi các anh chị em tôi đã ngồi lại thỏa thuận và thống nhất việc quản lý phần đất và nhà trên phần đất này. UBND xã đã tổ chức hòa giải thành.
Tôi xin hỏi, với kết quả hòa giải thành này thì chúng tôi có quyền gửi yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải thành này được không?
Bà NGUYỄN THỊ M. (huyện Dầu Tiếng)
Trả lời: Căn cứ quy định tại Khoản 7 Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Điều 417 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án như sau:
- Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
- Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý.
- Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu tòa án công nhận.
- Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, các anh chị em bà có quyền gửi đơn yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải đã được hòa giải thành tại UBND xã.
Lưu ý, đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án phải gửi đến tòa án trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành. Trong đơn yêu cầu phải có đầy đủ các nội dung như theo quy định tại Điều 418 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
SỞ TƯ PHÁP