Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh lớp 12 trường THPT Chuyên Bắc Giang, tháng 11/2021.
Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 cho biết, tính đến chiều 7/4, cả nước đã tiêm 207.379.359 liều vaccine phòng COVID-19. Như vậy, tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên là: mũi 1 là 100%; mũi 2 là 99,8%; mũi 3 đạt 50,2%.
Đối với người từ 12-17 tuổi: mũi 1 là 99,8% và mũi 2 là 95,1%.
Liên quan đến vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế cho biết, dự kiến ngày 9/4, lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi gồm gần một triệu liều sẽ về đến Việt Nam.
Công tác tiêm chủng cho trẻ em sẽ được triển khai ngay sau khi việc kiểm định vaccine hoàn thành, dự kiến vào trung tuần tháng 4/2022.
Dự kiến lô vaccine thứ hai sẽ về vào ngày 13/4 và lô thứ ba sẽ về trước ngày 18/4.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến tập huấn về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế cho biết, có hai loại vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, gồm vaccine Pfizer và vaccine Moderna. Ở lứa tuổi này, Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm hai mũi vaccine cùng loại, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.
Về phương thức triển khai, Bộ Y tế yêu cầu chiến dịch tiêm chủng diễn ra tại trường học và các cơ sở tiêm chủng cố định, tiêm lưu động. Theo đó, triển khai trước cho trẻ em học lớp 6, sau đó hạ thấp dần độ tuổi. Các địa phương triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, theo kinh nghiệm từ thế giới và các đồng nghiệp, những phản ứng trầm trọng, bất thường sau tiêm ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi ít hơn so với trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
Các phản ứng nặng càng ít gặp hơn. Tuy nhiên, các địa phương không được chủ quan. Ba ngày đầu sau khi tiêm, trẻ nhỏ cần có người hỗ trợ suốt 24/24 giờ, tránh vận động mạnh.
Tới ngày 7/4, 63/63 tỉnh thành trên cả nước đã cho phép học sinh các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đi học trực tiếp trở lại.
Trước băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh về việc trẻ đã mắc COVID-19 rồi, khi đi học có còn phải thực hiện triệt để các biện pháp phòng lây nhiễm như trước khi mắc hay không, các chuyên gia y tế cho biết, SARS-CoV-2 có nhiều biến chủng.
Một người đã mắc biến chủng này vẫn có nguy cơ mắc biến chủng khác với chủng mắc lần trước. Do đó, trẻ em đã mắc COVID-19 khi đi học vẫn phải đảm bảo các biện pháp dự phòng, đặc biệt là khẩu trang và khử khuẩn.
Theo bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, một người mắc COVID-19 khi xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính có nghĩa là khi đó các dịch tiết đường hầu họng không còn virus. Trường hợp đó không còn là nguồn lây với người xung quanh và cộng đồng.
Tuy nhiên, nếu mắc COVID-19 đã khỏi bệnh rồi, một số ca bao gồm cả trẻ nhỏ vẫn có khả năng tái nhiễm, các biện pháp dự phòng lây nhiễm vẫn là điều cần thiết.
Vì thế, bên cạnh việc chuẩn bị sẵn các dung dịch hay xà phòng rửa tay, bố trí nơi rửa tay nơi thuận lợi cho trẻ, nhà trường cần khuyến khích, nhắc nhở trẻ đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên nhất có thể.
Cha mẹ có thể chuẩn bị sẵn trong cặp sách hoặc balo các dung dịch rửa tay, xịt khuẩn để trẻ chủ động sử dụng khi cần thiết.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi sau khi mắc COVID-19 khỏi bệnh ít nhất ba tháng nên tiêm vaccine COVID-19; với trẻ em trên 12 tuổi khoảng thời gian này là 3-6 tháng./.
Theo TTXVN