Sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân có thể có các rối loạn tâm thần do Covid-19 (rối loạn lo âu và rối loạn trầm cảm). Trong điều trị các rối loạn tâm thần hậu Covid-19 mức độ nhẹ và vừa, liệu pháp tâm lý được các chuyên gia y tế khuyến cáo là liệu pháp can thiệp cơ bản, có thể kết hợp bài tập thở cơ hoành và thiền tập.
Rối loạn lo âu, trầm cảm hậu Covid-19
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết sau khi mắc Covid-19, một số bệnh nhân bị rối loạn lo âu, trầm cảm. Các bệnh nhân rối loạn lo âu thường có các biểu hiện như mất ngủ, mệt mỏi, lo lắng quá mức; bồn chồn, khó vào giấc ngủ, chán ăn; khó chú ý và trí nhớ kém, đánh trống ngực; đầy bụng, đái rắt, có những cơn nóng bừng mặt hoặc lạnh buốt người… Bệnh nhân trầm cảm thường luôn than phiền khó vào giấc ngủ, khó giữ giấc ngủ, thức dậy rất sớm, giấc ngủ nông, đầy mộng mị. Buổi sáng, bệnh nhân cảm thấy rất mệt mỏi, chán ăn, ăn ít nên sút cân nhiều. Bên cạnh đó, người bệnh hay buồn, dễ khóc; hay cáu gắt với lý do rất nhỏ; than phiền khó chú ý, dễ quên và rất lo lắng về bệnh, nhiều bệnh nhân chậm chạp hơn. Các trường hợp nặng, bệnh nhân cần được khám và điều trị bởi bác sĩ tâm thần, trường hợp nhẹ bệnh nhân có thể dùng liệu pháp tâm lý.
Bác sĩ Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh hướng dẫn tập thở cho bệnh nhân Covid-19
Bác sĩ Quách Trung Nguyên, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, cho hay liệu pháp tâm lý có thể có hiệu quả trong điều trị rối loạn lo âu hậu Covid-19 là liệu pháp nhận thức và hành vi. Các biện pháp này có thể làm giảm lo lắng về thảm họa giảm lo âu. Các biện pháp khác để kiểm soát hành vi lo âu như tập thư giãn, tập thở... kết hợp liệu pháp nhận thức đơn độc với liệu pháp hành vi đơn độc cho hiệu quả điều trị cao hơn. Phương pháp nhận thức hành vi giải quyết nhận thức méo mó của bệnh nhân và cách tiếp cận hành vi để giải quyết triệu chứng cơ thể. Các kỹ thuật chính được sử dụng trong phương pháp này là thư giãn và phản hồi sinh học. Liệu pháp phản hồi sinh học là một loại kỹ thuật thay thế và bổ sung trong y học nhằm kiểm soát chức năng của cơ thể bằng việc sử dụng tâm trí.
Một số dữ liệu sơ bộ cho thấy sự kết hợp của các phương pháp nhận thức và hành vi có hiệu quả hơn sử dụng một kỹ thuật. Liệu pháp định hướng tâm lý tập trung vào việc phát hiện điểm yếu và điểm mạnh bản ngã, từ đó đề ra các biện pháp đối phó hiệu quả với lo âu. Hầu hết các bệnh nhân có thuyên giảm rõ rệt các triệu chứng lo âu khi được trao cơ hội thảo luận các khó khăn của họ với bác sĩ. Nếu các bác sĩ phát hiện ra tình huống bên ngoài gây ra lo lắng cho bệnh nhân, họ có thể thay đổi môi trường và do đó làm giảm áp lực căng thẳng. Giảm các triệu chứng khiến bệnh nhân có thể hoạt động hiệu quả trong công việc và các mối quan hệ hàng ngày của họ, do đó đạt được sự hài lòng về chất lượng cuộc sống.
Tập thở giảm lo âu - kết hợp giữa thở cơ hoành và thiền tập
PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh khẳng định: Tâm lý trị liệu là can thiệp cơ bản, không thể thiếu và được xem xét trong suốt quá trình điều trị. Bệnh nhân Covid-19 có thể phải đối mặt với các rối loạn tâm lý trầm trọng gây ảnh hưởng đến kết quả phục hồi chức năng nói riêng và kết quả điều trị nói chung. Chúng tôi đề cập đến biện pháp mở là tập thở giảm lo âu kết hợp giữa thở cơ hoành và thiền tập”.
Nói về tác dụng của liệu pháp này, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, cho biết thêm: Phương pháp này làm tăng sự ổn định, sức mạnh cơ hoành; giảm công thở, giảm nhu cầu oxy bằng việc làm chậm nhịp thở; đồng thời kích thích dây thần kinh lang thang giảm sản xuất cytokine tiền viêm (chất đóng vai trò tạo nên cơn bão cytokine trong cơ chế bệnh sinh của Covid-19). Ngoài ra, phương pháp này còn giúp cho người bệnh giữ được bình an trong khi đang có những suy nghĩ cảm xúc lo lắng, đau khổ, buồn giận. Phương pháp chỉ định dùng cho người bệnh thở hụt hơi, thở nhanh, cảm giác khó thở và đang có những lo lắng, suy nghĩ đau khổ về những việc không mong muốn xảy ra trong đời sống.
Bài tập thở giảm lo âu thực hiện trong 3 bước. Bước 1, người trong tư thế ngồi hoặc nằm thoải mái; bước 2 thở cơ hoành; bước 3 là tâm ý chú ý vào hơi thở và sự phồng xẹp của bụng. PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu lưu ý trong khi thở có thể sẽ có những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực xen vào, trong trường hợp đó ta không nên xua đuổi hay đè nén chúng mà trở lại tập trung vào hơi thở để cho cơn khó thở, cảm xúc đau khổ qua đi. Chìa khóa của bài tập là thấy mình đang được thở vào, thở ra một cách thông suốt khi đó cơn khó thở cũng như suy nghĩ, cảm xúc khổ đau qua đi, có an lạc, hạnh phúc ngay trong giây phút thực hành thở.
Người bệnh có thể nhẩm theo bài kệ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh “Thở vào, tâm tĩnh lặng/ Thở ra, miệng mỉm cười/ Thở vào, an trú trong hiện tại/ Thở ra giây phút đẹp tuyệt vời”. Hoặc người bệnh có thể viết thêm 3 điều biết ơn mỗi ngày để trân trọng những điều mình đang có vào phút giây hiện tại và viết điều mong muốn thực hiện sau khi hết bệnh để có thêm động lực tích cực vượt qua giai đoạn khó khăn. Thời gian tập luyện 3 - 4 lần/ngày, mỗi lần tối thiểu 10 phút để khi có cơn khó thở, cảm xúc lo lắng, đau khổ cần nhớ và thực hiện ngay.
KIM HÀ