Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Bình Dương tình hình vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) thời gian gần đây nổi lên một số vấn đề đáng quan tâm như thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm không đủ điều kiện vẫn hoạt động…
Nhằm trang bị kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm cho người lao động, vừa qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về ATTP lần III năm 2018 và thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia
Nỗi lo an toàn thực phẩm
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có khoảng 300 trang trại chăn nuôi và nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng chỉ có 47 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đủ điều kiện hoạt động. Mặt khác, giá heo trong nước giảm mạnh tác động lớn đến người chăn nuôi nên các điểm giết mổ gia súc, gia cầm trái phép xuất hiện ngày càng nhiều. Trong nhiều con hẻm nhỏ, đường lớn hoặc các khu chợ, tình trạng các quầy hàng bày bán thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm duyệt xuất hiện ngày một phổ biến.
Mỗi năm ngành nông nghiệp kiểm tra, giám sát chất lượng chỉ tiêu ATTP bình quân 1.850 mẫu nông sản các loại. Kết quả giám sát năm 2017 cho thấy, thịt và sản phẩm từ thịt, tỷ lệ ô nhiễm vi sinh (E.coli, Salmonella) khá cao (49%); thịt tươi chiếm tỷ lệ khá cao trên 50%. Không có hóa chất cấm Salbutamol, Cysteamnin trong thịt gia súc, gia cầm. Tỷ lệ mẫu có hóa chất, kháng sinh là 6,5% (Sodium bicarbonate/thịt heo giả thịt bò, Acidbenzoic/thịt chế biến vượt mức).
Về rau, quả, không có mẫu tồn dư thuốc bảo vệ thực phẩm nhiễm vi sinh nhưng có tình trạng sử dụng hóa chất cấm Auramin O trên mẫu dưa cải, măng. Về thủy sản nuôi tỷ lệ có kháng sinh cấm (Encrofloxacin) là 10,76%; thủy sản đánh bắt nhiễm vi sinh 27,7%, thủy sản khô có hóa chất Trichlofon, Rhodamin B là 42%.
Một thực tế khác là tình trạng sử dụng chất ngoài danh mục cho phép trong chăn nuôi, sản xuất, bảo quản thực phẩm còn tiếp diễn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và tạo tâm lý hoang mang trong dư luận.
Tại Hội thảo Tuyên truyền pháp luật về môi trường, tài nguyên và ATTP diễn ra vào tháng 5 vừa qua, đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh, chia sẻ: “Hầu hết đối tượng vi phạm là tiểu thương, số lượng hàng hóa không lớn, mua bán trôi nổi, không hóa đơn chứng từ nên không thể truy xuất được nguồn gốc. Ngoài ra, tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến các đối tượng cung cấp suất ăn công nghiệp tiếp tục diễn biến phức tạp. Do lợi nhuận hoặc cạnh tranh không lành mạnh để giành thị trường nên một số người đã mua thực phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, bán ra thị trường dẫn đến ngộ độc thực phẩm, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân”.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP
Trước tình hình vi phạm pháp luật về ATTP ngày càng diễn biến phức tạp, Ban giám đốc Công an tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, mở các đợt tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật về ATTP, tập trung ở các địa bàn trọng điểm, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Từ năm 2015 đến nay, lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành chủ động nắm tình hình, trao đổi thông tin, tuần tra, kiểm tra và phối hợp kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường, tài nguyên và ATTP đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Kết quả, đã phát hiện 1.041 cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên và ATTP.
Trong năm 2017, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức thanh kiểm tra 3.321 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Kết quả có 519 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng. Lý do vi phạm chủ yếu là các cơ sở, doanh nghiệp không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, không khám sức khỏe định kỳ hoặc chưa xác nhận kiến thức về an ATTP cho người lao động…
Trao đổi về điều này, bà Lưu Đình Ngọc Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Thời gian qua, với nỗ lực của các cơ quan chức năng trong công tác giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm cũng như tuyên truyền các quy định của pháp luật ATTP và nhận thức về việc bảo đảm ATTP của người sản xuất, tình trạng mất ATTP có cải thiện như: Tỷ lệ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi giảm nhiều, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả cũng giảm mạnh, tình trạng sử dụng hóa chất vàng ô (phẩm màu nhuộm thực phẩm) có giảm… Tuy nhiên, tỷ lệ vấy nhiễm vi sinh trên các mẫu nông sản nhất là thịt tươi chưa cải thiện. Đây là loại thực phẩm rất dễ vấy nhiễm vi sinh từ các khâu giết mổ, pha lóc, vận chuyển, bày bán, bảo quản… Tình trạng sử dụng hóa chất, phụ gia trong bảo quản, chế biến thực phẩm vẫn còn khá bừa bãi như không tuân thủ liều lượng, sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục, nhất là cơ sở quy mô nhỏ. Người tiêu dùng nên thường xuyên cập nhật thông tin tình trạng mất ATTP từ các cơ quan chức năng để có những thông tin chính xác, tránh hoang hoang, lo lắng trước những thông tin không đáng tin cậy từ nhiều nguồn…
Bà Thúy cho rằng “Với chức năng, nhiệm vụ quản lý ATTP nhóm sản phẩm nông nghiệp, Chi cục Quản lý chất lượng tập trung vào nhiệm vụ hướng dẫn sản xuất an toàn như: Hướng dẫn áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn VietGAP trong trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng các mô hình chuỗi kiểm soát ATTP để cung cấp nguyên liệu nông sản an toàn cho các cơ sở sản xuất; xác nhận sản phẩm theo chuỗi ATTP nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm sạch tới người tiêu dùng. Ngoài ra, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người tiêu dùng tiếp cận được các thông tin, tiếp cận được sản phẩm an toàn như tổ chức phiên chợ nông sản, lễ phát động sử dụng nông sản an toàn, bao bì, logo nhận diện sản phẩm, các hội thi tìm hiểu pháp luật về ATTP...”.
TÂM TRANG