UBND tỉnh vừa ký Quyết định số 458/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch thí điểm phân loại chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2018.
Nhận thức được nhiệm vụ quan trọng này, ngay từ năm 2004, Bình Dương đã phê duyệt Đề án kiện toàn hệ thống quản lý CTR trên địa bàn tỉnh; trong đó, Bình Dương tập trung xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh. Việc sớm đầu tư công nghệ xử lý phù hợp và kiện toàn hệ thống thu gom CTR đã giúp cho tỷ lệ thu gom CTR tăng dần qua các năm. Tính đến nay, tỷ lệ CTR đô thị được thu gom, xử lý trên địa bàn tỉnh đạt 90%; trong đó, tỷ lệ tái chế làm phân compost đạt 40%. Điều này góp phần vào tiến trình phát triển bền vững của địa phương. Các tổ chức, cá nhân có phát sinh CTR đóng phí vệ sinh cho đơn vị thu gom theo quy định mức thu phí vệ sinh. Chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý hầu hết vẫn được bù đắp từ nguồn ngân sách của tỉnh với tổng chi hàng năm: Năm 2013 là 163,162 tỷ đồng, năm 2014: 218,030 tỷ đồng, năm 2015: 252,452 tỷ đồng.
Dụng cụ phân loại rác theo mục đích tái chế
Với mục tiêu xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương vào năm 2020, Bình Dương xác định Kế hoạch thí điểm phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2018 là mô hình phân loại rác tại nguồn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, trong đó tập trung xác định các mô hình phân loại CTR sinh hoạt phù hợp, từ đó triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh nhằm đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường do Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm điều phối chung về Kế hoạch thí điểm phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn; đồng thời tổ chức triển khai thực hiện, góp phần bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị Bình Dương.
P.V