UBND tỉnh chuẩn bị tổ chức lễ công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức bộ 4 và triển khai thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Đến nay, mọi công tác đã hoàn tất, các sở, ban, ngành chủ động thực hiện theo chỉ đạo, chủ trương chung của tỉnh.
Cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp qua môi trường mạng
Những nhiệm vụ lớn
Theo định hướng và kế hoạch của UBND tỉnh, phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện thực hiện ở mức độ 3, mức độ 4 là điều tất yếu. Thời gian tới, Bình Dương sẽ phấn đấu tỷ lệ hồ sơ, thủ tục hành chính (TTHC) giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 80% trở lên. Tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ hành chính công đạt từ 30% trở lên; 100% cơ sở dữ liệu quốc gia được kết nối liên thông với hệ thống thông tin của tỉnh được đưa vào khai thác, sử dụng. Tỉnh đưa vào khai thác trung tâm điều hành thông minh giai đoạn 1 và bước đầu hình thành trung tâm điều hành thông minh của UBND cấp huyện, gồm: TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An và TX.Bến Cát, thực hiện trên một số dịch vụ, lĩnh vực cho đô thị thông minh…
Chủ trương, kế hoạch đã có, song để thực hiện tốt các nhiệm vụ lớn này thì các sở, ngành cần vào cuộc quyết liệt. Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh trong năm 2022 sở sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng của tỉnh, tạo điều kiện, cơ sở để tăng tốc chuyển đổi số trong giai đoạn mới. Trước mắt, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp làm tốt việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh và được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; chuẩn bị công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và triển khai thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức và cán bộ, công chức (CBCC) trong tỉnh.
Ông Lai Xuân Thành, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Bình Dương, cho rằng điểm nghẽn lớn nhất cần phải giải quyết chính là nguồn nhân sự, bộ máy chuyên trách tại cơ sở, cần bắt đầu xây dựng ngay từ cấp cơ sở. Dữ liệu chính là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công trong việc triển khai các nhiệm vụ lớn của tỉnh và tiến tới chính quyền số. Do đó, UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo các sở, ngành quyết liệt phối hợp đồng bộ, triển khai thực hiện “đều tay” trên tất cả các mặt, xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể của từng giai đoạn.
Tích cực hưởng ứng
Theo ghi nhận của phóng viên, từ chủ trương lớn của tỉnh, các sở, ngành đã tích cực hưởng ứng. Cụ thể, Sở Công thương thử nghiệm đề án cơ sở dữ liệu ngành công thương trên phần mềm web và thiết bị di động, dự kiến ngày 31-12 sẽ hoàn thành và chuẩn bị để nghiệm thu, hiện đã hoàn thiện hơn 800.000 trang về các cơ sở dữ liệu của ngành. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các quy trình cần thiết khi thực hiện TTHC và giúp tỉnh trong công tác quản lý nhà nước đối với ngành. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hưởng ứng tích cực chủ trương, kế hoạch của tỉnh, triển khai tất cả các TTHC trên môi trường mạng.
Ông Nguyễn Trung Tín, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết 100 CBCC của sở hưởng ứng lễ công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức bộ 4 và triển khai thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. CBCC của sở hưởng ứng bằng các hành động cụ thể là tư vấn, hướng dẫn nhanh chóng các hồ sơ gửi qua môi trường mạng và tích cực giải quyết đúng hạn và trước hạn hồ sơ. Lãnh đạo sở luôn xem công tác cải cách TTHC là đòn bẩy quan trọng, tạo niềm tin trong doanh nghiệp, góp sức cùng với tỉnh phục hồi nền kinh tế. Do đó, sở luôn quán triệt CBCC thực hiện tốt nhiệm vụ giải quyết TTHC cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Hiện nay, các sở, ngành đang tập trung một số giải pháp nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh và bộ chỉ số đo lường năng lực điều hành, quản lý, cạnh tranh của tỉnh, như: Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành; Chỉ số Cải cách hành chính, Chỉ số Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Các cấp, các ngành thực hiện tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho người dân, doanh nghiệp; hướng dẫn thủ tục, giải quyết kịp thời các vướng mắc, phản ánh, kiến nghị của người dân; tiếp tục cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh và được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
HỒ VĂN - NGUYỄN HIẾU