Từ một vùng đất ngập mặn, nhiều lần bị xói mòn bởi triều cường, sau 10 năm trồng rừng ngập mặn cải tạo đất, người dân xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đã có thể trồng hành thành những cánh đồng màu mỡ.
Tấm ảnh chụp vùng đất gần biển của xã Vĩnh Hải 10 năm trước. "Là khu vực gần biển nên mỗi năm cứ có đợt triều cường là đất đai bị xói mòn, nhiễm mặn nặng không thể nào canh tác được. Trong một đợt triều cường lớn, 2 trường học và nhiều nhà cửa đã bị cuốn trôi ra biển", ông Thạch Xoan, một người dân ở đây kể lại.
Được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế, Cơ quan hợp tác phát triển của Đức hỗ trợ, người dân cùng chính quyền địa phương đã bắt tay nhau cải tạo và bảo vệ đất. Những hàng rào chắn sóng hình chữ T được thiết lập đồng thời với việc trồng rừng ngập mặn để ngăn sóng. "Với hàng rào này, khi sóng đập vào mang theo phù sa thì hàng chắn chữ T sẽ giúp giữ phù sa lại, còn những khoảng trống giữa 2 chứ T sẽ giúp thoát nước dễ dàng hơn", ông Hoàng Đình Quốc Vũ - Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Châu cho biết.
Gần 45 km bờ biển trải dọc 7 xã của huyện Vĩnh Châu được phủ bằng những cánh rừng ngập mặn. Nhận thức được vai trò quan trọng của người dân trong việc trồng và bảo vệ rừng, từ năm 2009, Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Châu đã giao đất, giao rừng cho bà con "đồng quản lý". Từ khi có rừng, có hàng rào chắn sóng những cánh đồng ven biển ngày một màu mỡ hơn.
Sau nhiều năm cải tạo, người dân lại bắt đầu canh tác và yên tâm xây dựng nhà cửa trên vùng đất nhiễm mặn ngày xưa. Ở tuổi 85, cụ Nậm Thị Pía vẫn cùng con cháu ra đồng trồng hành. Là người gắn bó lâu năm với mảnh đất này, cụ cho biết trước đây khi chưa có rừng người dân vùng này chủ yếu làm nghề đánh bắt, bữa no bữa đói, hàng năm lũ lụt triền miên.
Đến nay xã Vĩnh Hải đã có khoảng 6.000 héc ta trồng hành, đây là nguồn thu nhập chính của người dân.
Để có nước tưới cho hành, hàng loạt hệ thống máy bơm được bà con lắp trên khắp cánh đồng.
Những bể chứa nước tự động cũng được "chế tạo" khắp nơi. Không những giữ được đất, nguồn nước ở xã Vĩnh Hải cũng được cải thiện đáng kể. Từ nguồn nước nhiễm phèn, mặn trước đây giờ người dân đã có thể tự khoan nước dùng để tưới tiêu và sinh hoạt.
Những luống hành xanh tốt này sẽ được thu hoạch vào dịp Tết Giáp Ngọ. Ông Vũ cho biết hiện nay mỗi kg hành có giá khoảng 20.000 đồng. Huyện Vĩnh Châu là huyện có diện tích trồng hành lớn nhất tỉnh Sóc Trăng với khoảng 100-120.000 héc ta.
Cách bờ biển chỉ chừng 300m, bên này người dân đang hăng say canh tác trên mảnh đất màu mỡ.
Còn bên kia là khu rừng ngập mặn ngày càng xanh tốt để cùng người dân tham gia vào cuộc chiến "giành đất" với biển.
Theo VNE