Những năm qua, Bình Dương đã quan tâm và tổ chức thực hiện các chương trình, các lớp truyền dạy ĐCTT ngày càng bài bản nhằm gìn giữ một trong những vốn quý của văn hóa dân tộc.
Tiết mục “Giai điệu mùa xuân” do các học viên lớp truyền dạy đờn ca tài tử khóa II biểu diễn
Đến trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương những ngày cuối năm 2018, từ ngoài cổng đã nghe rất rõ tiếng song loan gõ nhịp hòa cùng tiếng đờn, tiếng ca của các học viên lớp truyền dạy ĐCTT do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức. Nở nụ cười phấn khởi, nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, cho biết: “Khóa học đợt này được đúc kết từ kinh nghiệm của khóa trước nên các bài giảng nhẹ nhàng hơn, súc tích và dễ nhớ hơn nên số lượng học viên theo học cũng nhiều, đều hơn, số lượng học viên đăng ký cho khóa sau đang khá nhiều. Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và học hỏi của các học viên, chúng tôi sẽ tổ chức thêm nhiều lớp học phù hợp với từng đối tượng, đào tạo từ căn bản… và đã in ấn, phát hành đĩa DVD/VCD giới thiệu về 20 bài bản Tổ ĐCTT”.
Nếu không đến lớp được thì người mộ điệu có thể học ĐCTT qua chương trình “Truyền dạy ĐCTT và cải lương”, “Tìm hiểu ĐCTT Nam bộ” do Thạc sĩ Huỳnh Khải và các giảng viên Khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh giảng dạy trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương vào tối chủ nhật hàng tuần. Chia sẻ với chúng tôi về niềm vui không nhỏ của bản thân, tài tử Cẩm Thúy, MC của chương trình “Truyền dạy ĐCTT và cải lương”, cho biết sắp tới Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương sẽ thực hiện tiếp 2 chuyên đề: “Nguồn gốc sân khấu cải lương” và “Bảo tồn và phát huy ĐCTT - sân khấu cải lương”.
Và mới đây, tại liên hoan ẩm thực đường phố Bình Dương, nghệ thuật ĐCTT đã thu hút đông đảo người mộ điệu đến thưởng thức và giao lưu. Trong không khí nhộn nhịp của liên hoan, tiếng đờn, lời ca của Câu lạc bộ ĐCTT Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh hòa quyện mang đến cho khán giả nhiều bài ca quen thuộc và các trích đoạn cải lương nổi tiếng. Qua trò chuyện với các nghệ nhân và tài tử, chúng tôi cảm nhận được rằng ai nấy đều rất vui mừng phấn khởi. Mừng vì ĐCTT có thêm một không gian mới rất lý tưởng để chơi. Mừng vì nhiều người đã biết thêm về các chương trình, các lớp truyền dạy ĐCTT mà tỉnh đã và đang tổ chức, bày tỏ sự mong muốn được học ĐCTT để cùng chung tay quảng bá những tinh hoa của bộ môn nghệ thuật đầy hấp dẫn này.
Tuy mang một âm hưởng, sắc màu riêng, nhưng với sự quan tâm ngày càng nhiều của các ngành, các cấp và sự tham gia giảng dạy nhiệt tình của các nghệ nhân, sự học hỏi say mê của các học viên, ĐCTT Bình Dương đang có nhiều tín hiệu khởi sắc.
THỤC VĂN