Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh phối hợp với trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương vừa tổ chức bế giảng lớp Truyền dạy Nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) khóa III - năm 2019. Như vậy, đã có 3 lớp để người đi trước truyền lửa cho thế hệ sau nhằm bảo tồn, phát huy bộ môn ĐCTT Nam bộ trên địa bàn tỉnh.
Nhạc sĩ Võ Đông Điền (bìa phải), Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh trao chứng nhận cho các học viên khóa III
Đây cũng là việc nhằm tiếp tục thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Bình Dương giai đoạn 2018-2020” mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án.
Khóa học có gần 40 học viên tham dự. Đây là những người đam mê ĐCTT nhưng nay mới có dịp theo học để có thể hát đúng những bài ca cổ mà họ yêu thích. Các học viên cho biết đã yêu thích những bài ca từ nhỏ nhưng ngại không dám hát bởi sợ không đúng điệu của ĐCTT. Đa số học viên còn là những cộng tác viên đắc lực đang sinh hoạt và biểu diễn tại những câu lạc bộ ĐCTT ở các huyện, thị. thành phố. Điều này càng chứng tỏ sức sống của ĐCTT vẫn cháy bỏng, vẫn là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa văn nghệ của các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà.
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Thu Hồng, một trong những giảng viên của khóa học cho biết chị rất quý những người đam mê ĐCTT “vì nó hay lắm, sâu lắng và say đắm lòng người nếu hiểu rõ ngọn ngành”. Và chị cũng hết lòng “truyền lửa” cho những ai yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Chị cùng các giảng viên khác đã giúp học viên có điều kiện tiếp cận và cập nhật đầy đủ 20 bài bản tổ trong âm nhạc ĐCTT Nam bộ (3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán, 7 Lễ) và vọng cổ nhịp 16. Đặc biệt, sau khóa học Ban tổ chức sẽ chọn các học viên ưu tú để bồi dưỡng nâng cao về kỹ năng ca diễn.
Theo đại điện phụ trách đề án thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam bộ tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020” được duyệt với tổng kinh phí thực hiện hơn 9,7 tỷ đồng. Bảo tồn và phát huy ĐCTT là nhiệm vụ mang tính cấp bách trước yêu cầu phát triển chung của ngành văn hóa. Đề án cũng là sự đáp ứng nhu cầu phát huy vai trò của văn hóa, nền tảng tinh thần, động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo tinh thần của Nghị quyết 33 của Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đồng thời, đề án cũng góp phần vào thực tiễn xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Cũng theo những thành viên trong Ban chỉ đạo thực hiện đề án, mục tiêu mà đề án hướng đến là thực hiện đồng bộ các giải pháp quan trọng, khả thi để bảo vệ, quảng bá và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn tỉnh; từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào nghệ thuật ĐCTT trong tỉnh phát triển, thực hiện bằng nhiều hình thức, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa của đất nước, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Hiện nay, đề án đang được thực hiện đúng như kế hoạch đã đề ra. Bình Dương đã, đang và sẽ đồng hành với hơn 20 tỉnh, thành khu vực Nam bộ trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT.
QUỲNH NHƯ