Theo chủ trương mới ban hành của tỉnh, người nhiễm HIV là một trong những đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Việc hỗ trợ này có ý nghĩa rất lớn, giúp người nhiễm HIV có điều kiện điều trị thuốc ARV và các dịch vụ y tế khác qua thẻ BHYT một cách liên tục. Xoay quanh về vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế.
Trong thời gian tới, bệnh nhân nhiễm HIV gặp khó khăn sẽ được hỗ trợ mua BHYT
- Theo chính sách mà tỉnh mới ban hành, người nhiễm HIV là một trong những đối tượng được hỗ trợ mua BHYT. Cụ thể, chính sách này như thế nào, thưa ông?
- Theo Công văn số 776/BHXH-KTTN ngày 29-3-2018 của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, người nhiễm HIV là một trong 4 đối tượng được BHXH hỗ trợ tham gia BHYT từ quỹ kết dư khám chữa bệnh với mức hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT. Tuy nhiên, với chủ trương của tỉnh Bình Dương, chúng tôi luôn ưu tiên việc vận động người nhiễm tự mua thẻ BHYT để bảo đảm tính bền vững trong trường hợp có thay đổi về chính sách hỗ trợ.
Ví dụ như với những người nhiễm HIV đủ điều kiện kinh tế nhưng gặp khó khăn trong vấn đề thủ tục như không có chứng minh nhân dân, hộ khẩu, tạm trú… chúng tôi sẽ liên hệ với BHXH, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người nhiễm có thể tự mua BHYT. Chỉ riêng với những người bệnh không đủ đều kiện kinh tế và có sự xác nhận của các đơn vị liên quan, chúng tôi sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ này.
- Trong điều kiện các nguồn viện trợ quốc tế hỗ trợ chi phí điều trị cho người nhiễm HIV bị cắt giảm, chính sách này ra đời trong thời điểm này có ý nghĩa như thế nào đối với những người nhiễm HIV, thưa ông?
- Từ trước đến nay, người nhiễm HIV khi tham gia điều trị đã quen với việc khám, xét nghiệm và nhận thuốc miễn phí. Điều đó dường như đã thành thói quen của người nhiễm HIV khi đi khám bệnh. Trong điều kiện hiện tại, khi các nguồn viện trợ quốc tế dần bị cắt giảm, người nhiễm HIV sẽ phải đối mặt với các chi phí điều trị rất lớn, trong khi đa phần người nhiễm HIV là những người có hoàn cảnh khó khăn và trung bình. Do đó, việc ra đời của chính sách này để triển khai áp dụng thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV qua thẻ BHYT sẽ là giải pháp cứu cánh, giảm gánh nặng kinh tế cho người nhiễm HIV. Điều này còn góp phần giảm thiểu việc người nhiễm HIV bỏ điều trị vì vấn đề kinh tế và hạn chế sự lây lan HIV/AIDS trong cộng đồng.
- Đến nay, tỷ lệ tham gia BHYT của người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh như thế nào? Việc mở rộng đối tượng nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT trong thời gian qua có gặp phải khó khăn gì không, thưa ông?
- Tính đến ngày 31-3-2019, tỉnh Bình Dương có 8 phòng khám ngoại trú người lớn với tổng số bệnh nhân HIV/AIDS khoảng 2.770 người, trong đó có 2.624 bệnh nhân đã có BHYT, chiếm khoảng 94,7%.
Và tất nhiên khi triển khai một vấn đề mới luôn có những khó khăn bước đầu. Thời điểm tháng 8-2016, tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV có BHYT chỉ đạt 38,25%. Để nâng tỷ lệ này đến con số hiện tại, tại mỗi phòng khám ngoại trú, chúng tôi đã bố trí một nhân viên y tế chịu trách nhiệm tư vấn và giải thích cho người bệnh về lợi ích cũng như quyền lợi của việc tham gia BHYT. Ban đầu, đa số bệnh nhân đều lo ngại nếu sử dụng BHYT để khám chữa bệnh HIV sẽ bị lộ thông tin nên không đồng ý sử dụng BHYT khi khám bệnh HIV. Tuy nhiên, qua quá trình tư vấn, giải thích về những lợi ích mà bệnh nhân HIV nhận được khi tham gia BHYT, hiện nay, người nhiễm HIV đã hiểu, thậm chí một số người còn trở thành “nhân viên tư vấn” khi chủ động chia sẻ cũng như kêu gọi các bệnh nhân khác tham gia BHYT.
- Có phải tất cả những người nhiễm HIV/AIDS đều được hưởng chính sách hỗ trợ này không, thưa ông?
- Tất cả người nhiễm HIV đều được hưởng chính sách như nhau trong việc thanh toán BHYT khi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, như tôi đã chia sẻ, việc hỗ trợ mua thẻ BHYT sẽ chỉ áp dụng với những đối tượng đặc biệt, vì chúng tôi muốn vận động người nhiễm HIV tự mua thẻ BHYT để bảo đảm tính bền vững, lâu dài.
- Kinh phí để thực hiện sự hỗ trợ được trích từ nguồn kết dư quỹ khám chữa bệnh BHYT. Như vậy chính sách này sẽ có sự thay đổi qua từng năm phải không, thưa ông?
- Đúng vậy, chính sách sẽ thay đổi theo tình hình thực tế của từng năm. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng bảo đảm các quyền lợi của người nhiễm HIV, để người bệnh an tâm tiếp tục điều trị.
- Như vậy cũng cần phải tính đến phương án một khi đối tượng này không được hỗ trợ kinh phí mua BHYT. Vậy, ngành y tế sẽ có những biện pháp gì nhằm khuyến khích người bệnh tham gia BHYT tự nguyện, lâu dài nhằm bảo đảm việc điều trị thuốc ARV cũng như các dịch vụ khác không bị gián đoạn giữa chừng khi nguồn hỗ trợ mua BHYT không có?
- Như chủ trương ban đầu chúng tôi đã đặt ra, đó là tư vấn, tuyên truyền và vận động người bệnh chủ động tự nguyện tham gia mua BHYT và duy trì liên tục. Đối với những người bệnh không đủ giấy tờ, có thể chúng tôi sẽ liên hệ với các đơn vị liên quan nhằm tìm giải pháp để người bệnh có thể tự mua BHYT một cách chủ động và không bị gián đoạn. Còn với những người bệnh hiện tại không đủ điều kiện kinh tế, chúng tôi sẽ cố gắng tham mưu lãnh đạo địa phương các giải pháp cụ thể để giải quyết hoặc hỗ trợ cho những người bệnh này.
- Xin cảm ơn ông!
HỒNG THUẬN (thực hiện)